Lan tỏa văn hóa đọc truyền thống

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:03, 03/04/2022

Sách không chỉ là kho tàng kiến thức mà còn là kho của cải vô tận. Chỉ với những trang sách đó, thế hệ sau mới hiểu được những gì mà thế hệ trước đã làm, từ đó kế thừa và tiếp tục phát triển, làm cho đời sống con người trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn.

Vì vậy, ông cha ta luôn đề cao vai trò của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”, và cho rằng “Một kho vàng không bằng một nang chữ”. Từ sự kế thừa và phát triển, sách cũng được chuyển hoá qua mỗi thời kỳ, từ vật liệu này sang vật liệu khác, từ loại hình này sang loại hình khác tiện lợi hơn, như: Đất nung, da thú, cây, lá, vải đến vật liệu phổ biến nhất là giấy và hiện đại hơn là sách điện tử, sách số phục vụ cho nhiều mục đích của con người trong đời sống hàng ngày.

imag0363.jpg

Những năm gần đây cùng với sự phát triển cuả công nghệ thông tin, phong trào đọc sách điện tử đã xuất hiện song song với đọc sách in giấy, bởi sách điện tử có những ưu điểm và tiện lợi đối với một bộ phận người đọc sử dụng các ứng dụng tiện ích cùng các thiết bị hiện đại, thông minh như máy tính, điện thoại để đọc sách. Ưu điểm của việc sử dụng điện thoại thông minh để đọc sách điện tử là trọng lượng nhẹ hơn, ít tốn không gian, đọc được mọi lúc mọi nơi. Con người có thêm một kênh để tiếp cận với tri thức, cập nhật thông tin làm giàu cho vốn kiến thức phục vụ cho các nhu cầu học tập, giải trí, lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Mặc dù sách điện tử ra đời thể hiện được ưu điểm và được một bộ phận người đọc đón nhận sử dụng, nhưng sách in vẫn là lựa chọn của số đông người đọc. Vì sách in đã trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống xã hội của nhiều thế hệ và khi so sánh với sách điện tử nó vẫn giữ được nhiều ưu điểm vốn có, đó là: Không bị mỏi mắt do ít nhận ánh sáng tương phản từ giấy, để sách đâu cũng được, đọc xong có thể chuyển từ người này sang người khác, cho mượn hoặc ký tặng người thân, bạn bè, quay lại trang trước đó dễ hơn, hoặc có thể dùng cây bút với nhiều màu sắc khác nhau để làm nổi bật lên ý, câu mà mình tâm đắc. Khi chưa đọc xong ta có thể đánh dấu dễ dàng phần chưa đọc bằng một mẫu giấy để lúc khác đọc tiếp, còn về pháp luật thì không sợ vi phạm bản quyền. Một ưu điểm vượt trội nữa là đọc sách in sẽ làm cho ta tập trung cao độ hơn, khả năng ghi nhớ nội dung và nắm bắt vấn đề tốt hơn do sự tác động tổng thể của các nhóm giác quan; chúng ta có thể cảm nhận được mùi hương từ những trang sách làm khứu giác hoạt động, khi dở sang trang âm thanh sột soạt từ trang giấy nghe rất vui tai giúp kích thích thính giác. Các ngón tay chạm vào trang giấy đánh thức xúc giác và thị giác… Chính những ưu điểm vốn có cho nên đến nay số lượng sách xuất bản hàng năm đều tăng, như: Từ năm 2014 - 2021, số tựa sách ra đời mỗi năm tăng 30%, từ 28.326 lên 37.100 tựa, số bản in từ gần 369 triệu lên 441 triệu bản; sách giấy hiện nay được in rất đẹp, nhiều kiểu dáng theo lứa tuổi, chất liệu giấy nhẹ, bền và ít phản ánh sáng. Với những ưu điểm đó sách truyền thống có những ưu thế mà sách điện tử không có được. Những em bé từ 0-10 tuổi hoặc những người cao tuổi thì họ không thể nào học cách sử dụng thiết bị điện tử cho việc đọc sách được vả lại không phải ai ai cũng đủ điều kiện để mua một thiết bị điện tử hay máy đọc sách... Do đó, sách giấy vẫn là một phương tiện phổ biến đối với hầu hết người đọc.

z2844140823337_2fb0894e4f32a7812262467c6f29030c.jpg

Mỗi loại hình sách đều có nhưng ưu điểm riêng và tùy theo điều kiện và sở thích để chúng ta lựa chon cho mình cách đọc thích hợp nhất để “Sách giống như những người bạn đồng hành”. Đọc sách là để trao dồi kiến thức, ngôn từ, cảm xúc và tư tưởng thẫm mỹ cho bản thân, cho nên việc đọc sách dù là sách giấy hay sách điển tử cũng đều tốt cả. Có người thích sách điển tử vì nó tiện lợi, có người thích sách giấy đơn giản vì do thói quen, cho rằng sách giấy có linh hồn. Vấn đề là hãy lựa chọn cho mình cách thức đọc sách nào cảm thấy thoải mái và sử dụng chúng một cách khoa học nhất./.

Nguyễn Thái Ngọc Hân