Hoạt động tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi
Pháp luật - Ngày đăng : 05:52, 06/04/2022
Thủ đoạn tinh vi
Đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã bắt, xử lý nghiêm theo quy định nhiều vụ, đối tượng liên quan. Song, hoạt động của loại tội phạm này tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ riêng tại huyện đảo Phú Quý, từ tháng 2 - 3/2022 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Điển hình là vụ chị T., ngụ xã Tam Thanh, huyện Phú Quý bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 650 triệu đồng.
Phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo trên không gian mạng là tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử. Để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, đối tượng đã lập các trang Facebook có tên và hình ảnh giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử nổi tiếng hoặc tuyển cộng tác viên. Sau khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, đối tượng sẽ gửi số điện thoại của nhân viên chăm sóc khách hàng và yêu cầu bị hại kết bạn Zalo để trao đổi, tư vấn. Để tạo niềm tin, ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm ngàn đồng để bị hại chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook, chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp và được đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 10-20%. Sau một số lần tạo niềm tin cho bị hại bằng cách trả gốc và hoa hồng đúng như cam kết ban đầu. Tiếp theo, đối tượng viện lý do bạn đã được công ty nâng hạng và gửi các đường dẫn sản phẩm trên sàn Lazada, Shopee... có giá trị lớn hơn (từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng), sau đó tiếp tục yêu cầu cộng tác viên chụp lại hình ảnh sản phẩm, đồng thời chuyển tiền. Khi đã nhận được, đối tượng không chuyển lại tiền và hoa hồng nữa mà tiếp tục thông báo cho cộng tác viên phải thực hiện thêm các nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng. Bị hại sợ mất số tiền mình đã chuyển trước đó nên tiếp tục chuyển tiền theo hướng dẫn thì bị đối tượng chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã chuyển.
Không chuyển tiền cho người lạ
Không chỉ vụ việc trên, thời gian qua tại nhiều địa phương còn xuất hiện tình trạng giả danh cán bộ công an, tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án đang điều tra, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”. Khi người dân tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng ngay lập tức sẽ chặn liên hệ và chiếm đoạt tiền. Bên cạnh đó, còn có tình trạng giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp. Lợi dụng lòng tin của người dân, khi người dân đóng tiền vào để nhận thường thì các đối tượng chặn liên lạc lại và chiếm đoạt số tiền. Bằng những thủ đoạn ấy, không ít người đã “sập bẫy”.
Thực trạng trên cho thấy, hoạt động của tội phạm lừa đảo rất tinh vi, xảo quyệt; nạn nhân của chúng thường là những người nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác. Để chủ động phòng ngừa với loại tội phạm này, cơ quan chức năng khuyến cáo khi có số điện thoại lạ liên lạc, thông báo có liên quan đến tội phạm và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền thì tuyệt đối không chuyển tiền. Đồng thời, thông báo cho người thân trong gia đình biết và nhanh chóng trình báo với cơ quan Công an để kịp thời phối hợp xử lý. Khi kết bạn với người lạ qua mạng xã hội Facebook, Zalo thì không nên gửi, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với bất kỳ lý do gì, vì đây có khả năng cao là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mặt khác, phải thận trọng khi kết bạn, giao tiếp với người lạ hoặc người nước ngoài qua mạng xã hội, bởi giấy tờ chứng minh, thông tin lai lịch về người lạ không có. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc, bởi đây là hình thức lừa đảo hoặc cho vay lãi nặng qua các ứng dụng điện thoại di động. Khi thực hiện các giao dịch qua mạng hoặc qua các ứng dụng di động của các ngân hàng, tuyệt đối không được cung cấp mã xác thực OTP cho bất kỳ ai. Cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến từ số lạ, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Lúc này, người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp. Nếu phát hiện, nghi ngờ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng bất kỳ hình thức nào, phải nhanh chóng báo cho công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, giải quyết.