Chuyện xăng dầu tăng – giảm nhỏ giọt

Đời sống - Ngày đăng : 06:04, 07/04/2022

Thông tin đầu tháng 4, xăng dầu sẽ có đợt giảm giá sâu làm nhiều người mong ngóng, hy vọng. Buồn thay, trong khi xăng chỉ giảm nhẹ hơn 1.000 đồng/lít, thì dầu lại tiếp tục tăng khoảng 1.500 đồng/lít, mặc dù thuế bảo vệ môi trường chính thức được giảm 2.000 đồng với xăng và 1.000 đồng với dầu diesel.

Mức tăng - giảm xăng dầu như vừa qua thực sự không có nhiều tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí của nhiều doanh nghiệp, người dân trong đó, hoạt động kinh doanh vận tải ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều xe phải “đắp chiếu” nằm chờ... bởi hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thường sử dụng nhiên liệu dầu với khoảng 40% trong chi phí giá vận chuyển. Từ giữa năm 2021 đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 50%, trong khi đó, doanh nghiệp không thể tăng giá cước theo mức đó mà chỉ có thể tăng từ 5 - 7% để giữ khách. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải cho rằng, nếu tăng mạnh giá cước, chắc chắn doanh nghiệp sẽ mất khách, còn nếu tăng nhẹ với đà tăng của xăng dầu như hiện nay, thì càng chạy, càng lỗ và có nguy cơ sẽ phá sản. Việc điều chỉnh giá như vừa qua thực sự không đủ sức để hàng hóa, thực phẩm, rau xanh “hạ nhiệt” khi mọi thứ đã leo thang trong tháng 3. Do đó, người tiêu dùng trong giai đoạn này phải sáng suốt và thông minh để tính toán cho bữa cơm hàng ngày đủ dinh dưỡng, nhưng không bị thiếu hụt trong chi tiêu. Câu chuyện tưởng nhỏ nhưng lại rất khó thực hiện đối với những gia đình có thu nhập thấp và trung bình, khi vật giá đã leo thang theo nhiên liệu và có khả năng sẽ chững lại trong thời gian dài hoặc tăng tiếp.

Không riêng gì các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lao đao, mà hàng chục ngàn ngư dân trong tỉnh cũng rơi vào trường hợp khó chồng khó. Việc giá xăng dầu tăng kỷ lục trong tháng 3 vừa qua, đã khiến nhiều tàu thuyền lớn nhỏ trong tỉnh nằm bờ, không dám vươn khơi dù thời tiết đã có phần thuận lợi. Chỉ hơn một nửa trong gần 2.000 tàu có chiều dài từ 15m trở lên vươn khơi. Phí tổn mỗi chuyến biển đã tăng thêm khoảng 20 - 25%, ngư trường cạn kiệt, tác động của dịch bệnh khiến giá thủy sản bán ra bấp bênh, nên cứ vươn khơi là lỗ tổn. Điều đó đã tác động rất lớn đến tâm lý của ngư dân khi mùa cá nam đang cận kề. Hầu hết ngư dân đều mong chờ đợt điều chỉnh xăng dầu đầu tháng 4, với hy vọng giá xăng dầu sẽ có đợt giảm sâu, giúp họ mạnh dạn vươn khơi trở lại. Ấy vậy mà, dầu lại tăng giá, cộng thêm thời tiết những ngày qua sóng to, gió lớn làm những ai quyết tâm vươn khơi cũng phải thay đổi ý định. Sợ lỗ vốn đã khiến nhiều chủ tàu lo ngại không ra khơi, khiến các ngành dịch vụ hỗ trợ nghề cá cũng bị suy giảm theo.

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay, nhiều ngư dân kiến nghị, tuy giá xăng dầu tăng theo thế giới, nhưng nhà nước có thể miễn giảm các khoản thuế, phí với xăng dầu. Chẳng hạn như nhiên liệu là mặt hàng cần thiết chứ không phải là mặt hàng xa xỉ nên cũng cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian qua, các ngư dân đánh bắt xa bờ trong tỉnh rất vui mừng và là động lực rất lớn để họ bám biển, khi được nhà nước hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, quyết định này vẫn còn nhiều giới hạn rất khắt khe, không phải ngư dân nào cũng được thụ hưởng chính sách. Để tháo gỡ các khó khăn cho ngư dân trước biến động về giá nhiên liệu, nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn, cởi mở hơn để khuyến khích ngư dân có động lực bám biển trong giai đoạn khó khăn này.

Theo dự báo, giá nhiên liệu thế giới sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới, trong khi khai thác hải sản xa bờ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Vì thế, nhiều ngư dân cũng như ngành chức năng có quyền lo ngại, việc nhiều tàu cá ngừng hoạt động vì giá nhiên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng ít, nhiều đến chỉ tiêu khai thác hải sản toàn tỉnh trong năm 2022.

Song Nguyên