Đờn ca tài tử - vắng bóng thế hệ trẻ?

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 07:12, 07/04/2022

Sáng 5/4, đoàn nghệ sĩ, nghệ nhân đờn ca tài tử đã chính thức đến với Cần Thơ tham gia Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử trong khuôn khổ Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III tại Cần Thơ năm 2022. Bình Thuận tham gia chương trình với chủ đề “Bình Thuận – Điểm hẹn xanh”.

dsc05769.jpg
dsc05753.jpg
Thiếu thế hệ trẻ 

Chuông đi xứ người

Dù Bình Thuận không phải là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử, nhưng trong suốt chiều dài của hành trình phát triển văn hóa nghệ thuật, đờn ca tài tử vẫn tồn tại trong lòng công chúng mộ điệu. Các CLB, nhóm, ra đời ở nhiều địa phương, sinh hoạt theo từng nhóm như là cách gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Tham gia lần này, tại Cần Thơ như là minh chứng cho loại hình nghệ thuật ấy, tồn tại song hành bên cạnh những loại hình nghệ thuật khác. Nhẹ nhàng, trầm buồn như một khúc Nam Ai. Đến với hội thi lần này, các nghệ nhân và nhóm tài tử của tỉnh Bình Thuận mang đến chương trình đậm chất quê hương, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của miền đất vùng Đông Nam bộ, trù phú với sản vật, danh lam thắng cảnh và sự trìu mến của con người nơi đây. Đoàn Bình Thuận sẽ ra quân với các nghệ nhân đờn ca tài tử như nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tám Thọ (ghita), NSƯT Phú Cường (kìm), tài tử Hữu Sinh (đờn cò), tài tử Duy Hải (tranh), tài tử Ngọc Thắng (bầu) cùng với các NSƯT Thanh Kính, tài tử Trung Thiện, Hương Sen, tài tử Hà Thu, Ngọc Thúy, Thanh Vân và Nghĩa Tuấn.

Ông Nguyễn Tú Long – Giám đốc Trung tâm Văn hóa chia sẻ: “Tham gia hội thi, đoàn Bình Thuận mong muốn cùng với các tỉnh bạn cất lên cung đàn tri âm tri kỷ, đoàn kết chung tay nhằm vừa góp phần tham gia bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, vừa giới thiệu với các tỉnh, thành bạn trong khu vực miền Đông và Tây Nam bộ những nét đặc trưng loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử truyền thống mang bản sắc văn hóa của người dân Bình Thuận, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, tình yêu đôi lứa trong lao động sản xuất, những thành tựu đã và đang đạt được trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong nhiều năm qua, Bình Thuận là một trong những tỉnh, thành luôn gìn giữ, duy trì và phát huy hiệu quả loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Chương trình được xây dựng theo đúng cấu trúc mà Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu, gồm những bài bản, làn điệu mang đậm chất đờn ca tài tử như “Liên Nam cổ khúc”, “Ngũ Đối hạ 21 câu”, “Giang Nam Cửu khúc”, “Vọng cổ nhịp 16”, “Xuân tình”.

Thế hệ trẻ, ở đâu?

Phải nói giữ được lửa cho đờn ca tài tử còn đến hôm nay, phải nói đến là NSƯT Đặng Ngọc Long, nghệ danh Đặng Long. Ông là người rèn dạy cho không biết bao nhiêu lớp thế hệ về ca diễn, đàn hát ở bất cứ nơi đâu có thể truyền dạy được.

dsc05750.jpg

Lần này cũng vậy, với vai trò cố vấn chuyên môn, nghệ sĩ Đặng Long đã cố gắng mời gọi những giọng hát tốt, chắc nhịp và hiểu rõ “chất” của đờn ca tài tử để chinh chiến. Nhưng, chỉ có người trong cuộc mới thấy bất an. Gần như những gương mặt tài tử tham gia chương trình lần này cũng không xa lạ, họ bước vào tuổi đã không còn sắc vóc. Ở buổi tổng duyệt trước khi lên đường tham dự hội thi. Từ cái đôi mắt có vẻ buồn man mác đó, ông chia sẻ: “Bây giờ tìm một giọng ca trẻ, có tố chất khó lắm. Tuổi trẻ bây giờ không chọn đờn ca tài tử. Con có thể thấy, ở bất cứ cuộc thi liên hoan ca hát nào cũng có giới trẻ, nhưng ở mình không có!”. Đó là lý do tại sao, trong nhiều liên hoan đờn ca tài tử, Bình Thuận gần như hiếm có gương mặt trẻ, mới tham gia vào lĩnh vực này.

Từ một người lăn lộn khắp lục tỉnh để trau dồi học hỏi ngón đàn, từ thầy Diễn, rồi sau đó với thầy Mười Đẹp (ở Phú Long), thầy Quý mù (ở Phan Thiết) từ năm 1964 - 1968, và nhất là với thầy Bảy Trạch (ở Sài Gòn) vào năm 1968, làm nhạc công cho các đoàn cải lương Dạ Kim Đô (Sài Gòn, 1968), đoàn cải lương thời đại Mỹ Uyên Chi (Sài Gòn, 1970), đoàn cải lương Trường Sơn (Sài Gòn, 1974), đoàn Văn Công thống nhất Bình Thuận (1975), đoàn Ca múa nhạc Thuận Hải (1976), đoàn cải lương Tiền Giang 1 (1984), đoàn cải lương Nhạn Trắng, Thuận Hải (1987 – 1994). Dìu dắt các thế hệ tài tử theo thời gian, năm 2003, tỉnh có tài tử ca Hà Thu đạt giải ca hay, tài tử đờn Phú Cường đạt giải đàn hay. Năm 2005, đoàn tỉnh đạt giải 3 toàn đoàn, thêm giải phong cách, tài tử ca Ánh Tuyết đạt giải ca hay. Ở 2 lần Festival đờn ca tài tử quốc gia: Lần 1, tổ chức tại Bạc Liêu năm 2014; lần 2, tổ chức tại Bình Dương năm 2017, nghệ nhân Đặng Long được giao nhiệm vụ sáng tác, biên tập, dàn dựng và chỉ đạo nghệ thuật cho đoàn nghệ thuật đờn ca tài tử Bình Thuận. Năm 2014, đoàn Bình Thuận đạt huy chương vàng đồng đội; năm 2017, đạt huy chương bạc đồng đội. Từ một người có hàng trăm học trò, học đờn, ca với ông, thuộc nhiều tỉnh khác nhau, có người đã là nghệ sĩ nhân dân (Thanh Ngân, TP. Hồ Chí Minh, học ca với ông từ năm 1984), và rất nhiều người đã là nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Có thể kể: NNƯT Tám Nùng (Lê Văn Nùng), NNƯT Phú Cường (Nguyễn Phú Cường) cùng ở Tuy Phong; NNƯT Bảy Đờn (Huỳnh Văn Bảy), ở Hàm Thuận Bắc; NNƯT Thanh Kính (Phan Thanh Kính) ở Tây Hòa, Phú Yên; NNƯT Nguyễn Văn Vương, ở Tuy Phong; NNƯT Tám Thọ (Châu Văn Thọ), ở Tuy Phong; đặc biệt, NNƯT Lương Hồng Huệ, ở Phan Thiết, được phong tặng năm 35 tuổi, thuộc lứa NNƯT trẻ nhất nước (năm 2019); cùng tài tử ca Hà Thu (Phan Thị Thu), ở Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh; tài tử ca Ánh Tuyết ở Phan Thiết...

dsc05758.jpg
Tài tử Hà Thu - người gắn bó với đờn ca tài tử của địa phương.

Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, nhưng thực trạng hiện tại của địa phương giống như bếp lửa đang mất dần sức nóng. Các thế hệ trẻ ngày nay gần như chẳng quan tâm đến loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Có điều gì đó, đáng tiếc cho những người cố gắng giữ lửa phía trước, mà phía sau họ là khoảng trống vô hình của nhịp Song Lang.

Quang Nhân