Mùa cà phê chín ở Đa Mi
Kinh tế - Ngày đăng : 08:53, 03/01/2018
Rộn ràng mùa thu hoạch
Tôi đến xã vùng cao Đa Mi của huyện Hàm Thuận Bắc vào cuối tháng 10 âm lịch đang vào thời điểm thu hoạch rộ cà phê. Con đường vào các thôn La Dày, Đa Kim, Đa Tro quanh co đồi nối đồi, những vườn cà phê bạt ngàn tít tắp, trĩu quả. Không khí thu hoạch cà phê cũng rộn ràng không khác vùng cao nguyên. Người người, nhà nhà tấp nập trên những nương cà phê và cả trong các khoảng sân phơi đầy ắp hạt cà phê. Chị Nguyễn Giăng Quân ở thôn La Dày cần mẫn đảo những hạt cà phê phơi đã nhót nắng. Cạnh bên là chiếc máy tuốt vỏ nổ xình xịch, những hạt cà phê tách hạt vàng ươm tuôn trong chiếc thau chờ đóng bao. Chị Giang nói: “Tôi rời miền Bắc vào Đa Mi lập nghiệp, trồng cà phê đã hơn 10 năm nay. Ban đầu trồng 1 ha, thấy đất đai phù hợp với loại cây này và cho năng suất khá nên trồng lên đến 4 ha”. Cũng theo chị Giang, vào vụ thu hoạch cà phê ai cũng lên rẫy từ sáng sớm. Khi ấy, một tấm bạt lớn được trải dưới gốc cây để hứng quả cà phê chín tuốt từ cành. Cứ thế, tấm bạt được kéo từ gốc này sang gốc khác tới khi đầy, người thu hoạch lọc bỏ lá rụng và cành gãy sau đó mới đem phơi. Thời gian phơi tùy theo điều kiện thời tiết để kéo dài từ 7 đến 15 ngày (tùy vào thời tiết để kéo dài hơn). Khi quá trình này kết thúc, phần lớn thành phẩm được tách vỏ đem bán cho các thương lái thu mua ở Lâm Đồng.
Anh Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Đa Tro ở tận đất mũi Cà Mau vào Đa Mi trồng 5 ha cà phê xen sầu riêng. Anh Hoàng phấn khởi: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê ghép nên vườn nhà tôi trĩu quả. Những cây cà phê già cỗi tôi lai ghép với giống cà phê cao sản 138, cây phát triển tốt, cho năng suất cao hơn”. Nếu so với cà phê giống cũ thì cà phê ghép cho năng suất cao hơn từ 3 - 4 tấn/ha, với giá bán cà phê nhân từ 38.000 - 43.000 đồng/ kg, anh Hoàng và nhiều nông dân ở Đa Mi có lãi khá để đón Tết Mậu Tuất sung túc, ấm no hơn.
Cần “tiếp sức”…
Đa Mi là xã duy nhất của tỉnh phát triển cây cà phê với khoảng 1.500 ha nhờ khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, đất đai phì nhiêu. Cà phê được xem là cây trồng chủ lực, thời gian qua xã thường xuyên phối hợp với cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện tập huấn kỹ thuật canh tác, cải tạo cà phê già cỗi. Đến nay, xã đã lai tạo những giống cà phê mới như cà phê cao sản 138, cà phê Thiện Trường, lá xoài, Trường Sơn TS5 cho năng suất đạt khá từ 3 - 4 tấn/ha. Ngoài ra, xã tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm trồng cà phê ở Lâm Đồng, hỗ trợ nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Agribank để phát triển cây cà phê. Anh Nguyễn Anh Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Mặc dù thổ nhưỡng phù hợp nhưng nếu so năng suất thì cà phê Đa Mi chưa đạt so với vùng lân cận như huyện Lộc Nam (thị xã Bảo Lộc). Nguyên nhân do thiếu vốn đầu tư nên năng suất thấp hơn”. Ở Đa Mi, người dân chủ yếu phải ngược lên Bảo Lộc mua phân ở các đại lý với lãi suất cao. Hộ không có tiền trả trước phân bón, đến mùa bán cà phê non cho các đại lý. Xã đã tính giải pháp kêu gọi các công ty phân bón mở đại lý tại địa phương. Tuy nhiên, do nông dân kinh tế còn khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu thanh lý trước 50% vật tư nên chưa có công ty nào mạnh dạn đầu tư. Mặt khác, xã vùng cao Đa Mi phần lớn chủ yếu là người dân các tỉnh, thành khác đến định cư. Ngoài ra, xã còn có một số ít đồng bào dân tộc thiểu số khác đang sinh sống xen kẽ nên còn rất nhiều khó khăn. Đa số người dân đến lập nghiệp ở Đa Mi đều nghèo, ai cũng thiếu vốn sản xuất nhưng vì nhà cửa, đất rẫy chưa được cấp sổ đỏ nên không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Bà con chỉ được vay chương trình vay tín chấp theo tổ, nhóm ở các hội, đoàn thể cao nhất chỉ 30 triệu đồng/hộ, không đủ chăm sóc cây.
Chiều buông, những dãy đồi cà phê trập trùng trong nắng vàng nhạt. Lời Phó Chủ tịch UBND xã như gỡ nút những trăn trở của tôi trên đường về miền xuôi: “Xã đang thí điểm cấp sổ cho thôn Đaguri, sau đó sẽ nhân rộng ra các thôn khác”. Tôi đang lóe lên niềm hy vọng, nông dân xã vùng cao này lại có thêm cơ hội được vay vốn kha khá để đầu tư cho cà phê năng suất cao hơn và làm giàu trên vùng đất lành.
Thanh Duyên