Những tín hiệu phục hồi kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 10:04, 12/04/2022

Khép lại quý đầu năm 2022, bức tranh kinh tế Bình Thuận cho thấy những gam màu sáng, đó cũng là tín hiệu phục hồi tích cực dù ít nhiều còn ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19…

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế tổng thể của địa phương là hoạt động công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, thể hiện mức tăng trưởng dương trong quý I năm nay. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 9.171 tỷ đồng, tăng 7,36% và ghi nhận sản lượng của 14/16 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có một số sản phẩm tăng cao như: Trang phục (Jacket tăng 5,1 lần và áo sơ mi tăng gần 75%), thủy sản (mực đông lạnh tăng 87,6% và thịt cá đông lạnh tăng 22,21%), hạt điều nhân (tăng gần 54%), thức ăn gia súc (tăng hơn 30%)…

Gắn với đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong 3 tháng đầu năm đã đem về cho Bình Thuận khoảng 184 triệu USD, tăng 37,56% so cùng kỳ. Hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh vẫn đảm nhận vai trò “đầu tàu” trong đóng góp phần lớn kim ngạch khi tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá so cùng kỳ. Cụ thể nhóm hàng thủy sản thực hiện 44,5 triệu USD (tăng gần 25%) và nhóm hàng hóa khác ước đạt 136,2 triệu USD (tăng xấp xỉ 44%), tập trung nhiều ở thị trường trọng điểm, tiềm năng. Điển hình ở châu Á tăng xuất sang Nhật Bản mặt hàng bạch tuộc, mực, áo sơ mi, còn Đài Loan là bộ quần áo, mực tươi. Đối với châu Âu thì tăng xuất sang Đan Mạch mặt hàng thủy sản, trong khi thị trường Anh và Đức tăng ở mặt hàng tôm thẻ.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý đầu năm nay tiếp tục duy trì ổn định và dự báo sẽ tốt hơn trong quý II (Ảnh minh họa).

Thông qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo mới đây cho thấy: Có 31,75% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn và trên 38% số doanh nghiệp cho rằng ổn định… Cũng trong quý đầu năm, Bình Thuận ghi nhận 337 doanh nghiệp thành lập mới (có 138 đơn vị trực thuộc), tăng 17,42% so cùng kỳ năm trước với vốn đăng ký hơn 1.920 tỷ đồng… Cùng thời gian, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội toàn tỉnh đạt gần 7.300 tỷ đồng, tăng 16,42% so kế hoạch và tăng 11,2% so cùng kỳ năm ngoái, đối với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục được phục hồi với khoảng 623,35 tỷ đồng (tăng 7,2% so cùng kỳ).

Những tín hiệu phục hồi kinh tế còn thể hiện trên lĩnh vực du lịch với lượng khách đến Bình Thuận nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí dần tiến sát cột mốc 1 triệu lượt tính từ đầu năm 2022 đến nay. Trong khi hoạt động vận tải cũng trở lại nhộn nhịp, theo đó vận chuyển hành khách đã tăng hơn 22% và vận chuyển hàng hóa tăng gần 7% so quý đầu năm 2021. Còn tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại địa phương trong cả quý đạt hơn 16.480 tỷ đồng, (tăng 8,2% so cùng kỳ), riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 11.920 tỷ đồng (tăng 11,15%). Với hoạt động tín dụng vẫn ổn định, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn để tạo nguồn cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tính đến hết quý I/2022, vốn huy động ước đạt 50.999 tỷ đồng, tăng 4,2% và dư nợ cho vay đạt gần 75.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm…

Bước sang quý II này, Bình Thuận vẫn tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19 trên địa bàn. Tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, đôn đốc thực hiện những dự án đã được chấp thuận đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, tín dụng, du lịch - dịch vụ, phát triển nông nghiệp, khai thác hải sản xa bờ… Tín hiệu phục hồi kinh tế cũng tạo niềm tin cho doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp khi dự kiến tình hình quý II so với quý I năm nay có đến 77,78% cho rằng sản xuất - kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó gần 48% đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn.

Đ.QUỐC