Đồng bào vùng cao với ý thức phòng, chống cháy rừng

Pháp luật - Ngày đăng : 05:29, 13/04/2022

“Trời ơi! sợ lắm, sợ nhất là lửa đó nghe. Mình đốt lửa làm gì đó phải múc nước dập ngay, nếu không là cháy rừng, người ta bắt đi tù...”, chị Lô Thị Thép, thôn 2, xã La Dạ nói với vẻ mặt nghiêm trọng.
img_20191022_120754.jpg
Người đồng bào đi rừng ý thức phòng cháy rừng.

Bình Thuận có tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh khoảng 336.256 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 288.674,43 ha, diện tích rừng trồng 47.582,37 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,04%. Những năm gần đây không xảy ra vụ cháy lớn nào, chỉ cháy nhỏ dưới tán rừng. Đơn cử, năm 2021 có 26 trường hợp cháy rừng với diện tích 35 ha/67,02 ha, giảm 47,78% so với cùng kỳ năm 2020. Chủ yếu cháy thực bì dưới tán rừng, được các đơn vị chủ rừng phát hiện sớm, dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại tài nguyên rừng. Có được kết quả đó là nhờ một phần ý thức người dân về phòng cháy rừng, nhất là người đồng bào, ngày càng nâng cao. “Đi rừng sợ nhất là lửa đó nghe, mình đốt lửa làm cái gì đó phải múc nước dập ngay, nếu không là cháy rừng người ta bắt đi tù”, chị Lô Thị Thép, thôn 2, xã La Dạ nói với vẻ mặt nghiêm trọng, khi chúng tôi hỏi chị đi rừng đốt lửa có sợ cháy rừng không?.

Không riêng chị Thép mà nhiều người khác ở các xã vùng cao cũng có chung nỗi sợ “bà hỏa” bùng phát ở rừng. Mùa này đang là mùa khô cũng là mùa ong cho mật chất lượng, nên người đồng bào thường vào rừng tìm tổ ong lấy mật. Để lấy được mật ong họ hun khói đuổi ong lấy tổ, rất dễ gây cháy rừng. Ông B’Đam Đức – Trưởng thôn 2, xã La Dạ cũng nằm trong tổ bảo vệ rừng cho biết, năm nay điều mất mùa, mất giá thu nhập bấp bênh, bà con đi rừng kiếm mật ong, hái rau rừng nhiều. Rừng có những cây gỗ lớn, người ta không dám đụng vào, vì đụng vào là bị lập biên bản, công an mời làm việc ngay. Nếu có đốt lửa lấy mật ong hoặc làm cái gì thì dập tắt ngay không để lại một tàn lửa nào dù rất nhỏ. Mình cũng nằm trong tổ bảo vệ rừng, thường xuyên đi rừng với bà con nên thường nhắc nhở họ”, ông Đức nói thêm.

Những năm qua, UBND tỉnh không ngừng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là trong mùa khô. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng liên ngành cấp huyện thực hiện tốt Quy chế phối hợp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, có kế hoạch bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ… Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, đơn vị trực tiếp bảo vệ rừng luôn trong tình trạng cảnh giác cao với cháy rừng. Tuyên truyền đẩy mạnh, cảnh báo, thông báo cấp độ cháy rừng, tuần tra bảo vệ rừng, đôn đốc kiểm tra thường xuyên. Các chốt trực 24/24h ở các vùng rừng trọng điểm nhằm kiểm soát tốt tình hình cháy rừng, không để cháy rừng lây lan diện rộng.

Chính vì vậy, mỗi khi đi rừng mang theo hộp quẹt để sử dụng khi cần thiết người đồng bào cũng dè chừng. “Thông thường đi rừng, người ta mang theo chai nước để uống, cũng có khi để dập lửa vì sợ cháy rừng. Đối với lấy mật ong, thì người ta chỉ cần hun khói đuổi ong, rồi tàn lửa rơi xuống cũng dễ gây ra cháy. Cho nên phải lấy nước suối, nước trong chai, hoặc lá cây dập lửa ngay”, ông Đức nói thêm. Theo quan sát của người đồng bào, rừng dễ cháy thường xảy ra ở những khu rừng có nhiều le, tre, lồ ô rậm rạp cành nhánh, lá mảnh phủ đầy trên mặt đất. Tàn lửa rơi xuống nếu không dập tắt sẽ nghi ngút bốc cháy. Vì vậy, người đồng bào luôn cảnh giác với "bà hỏa" mỗi khi vào rừng, góp phần vào công tác phòng, chống cháy rừng. 

Ninh Chinh