Nhiều người khó vay vốn ngân hàng vì vướng nợ xấu

Kinh tế - Ngày đăng : 05:20, 14/04/2022

Một trong những quy định của các ngân hàng là để được vay vốn khách hàng ngoài các tiêu chí khác, khách hàng phải không có nợ xấu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên không hoạt động kinh doanh từ đó bị vướng nợ xấu, dẫn đến khó vay thêm vốn ngân hàng để tái sản xuất…

Anh Nguyễn Văn Đức ở phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) vừa rao bán căn nhà đang ở vì không chịu nổi lãi suất tiền vay bên ngoài, tiền nợ ngân hàng cộng với các khoản chi phí khác mà gần 2 năm nay do đại dịch Covid-19 khiến quán ăn của anh phải ngưng hoạt động. Khi vào giai đoạn “bình thường mới” anh muốn tái đầu tư nhưng thiếu vốn, tìm đến các ngân hàng vay nhưng nơi nào cũng từ chối do bị nợ xấu.

ngan-hang.jpg
Ảnh có tính chất minh họa.

Còn với anh Trần Thương ở Đức Thắng làm xây dựng thì không khá hơn. Do nhận công trình tư nhân nhưng không lường được diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên công trình liên tục bị gián đoạn thi công nên vừa bị lỗ vừa bị phạt hợp đồng. Vậy là lãi ngân hàng không trả được nên rơi vào nợ xấu. Đầu năm nay, anh có được vài hợp đồng nhưng do thiếu vốn đối ứng, vay ngân hàng không được nên phải vay ngoài với lãi suất cao. Anh tâm sự: “Làm công trình có lãi nhưng do vay vốn bên ngoài lãi cao nên tính ra vẫn bị âm, nghề của mình không làm không được nhưng với tình trạng này mình rất dễ phá sản. Mong ngành ngân hàng có chính sách trợ giúp các khoản vay mới hợp lý hơn với những người bị nợ xấu, do ảnh hưởng dịch Covid-19”.

Ông Phan Thanh Én - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cho biết: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, dẫn tới sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ. Đến nay, nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 1.105 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,66% so với đầu năm... Theo ông Én, hiện nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang tích cực tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của khách hàng vay. Hạn chế, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh mới, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42...

Giải quyết vấn đề nợ xấu là bài toán khó cho cả người vay lẫn ngân hàng nhưng thực tế hiện nay rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp rơi vào thế “chẳng đặng đừng” vì vướng nợ xấu do thời gian dài bị ảnh hưởng dịch Covid-19 không hoạt động sản xuất kinh doanh được, hoặc làm ăn thua lỗ cũng vì lý do đại dịch. Thiết nghĩ ngành ngân hàng cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ kịp thời những người tái đầu tư nhưng do vướng nợ xấu nên khó vay vốn...

Nhị Thiên