“Nỗi lo nghỉ lễ”

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:11, 14/04/2022

Vào thời điểm này năm ngoái, ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2021, rất nhiều người Việt Nam chúng ta tưởng rằng đã kiểm soát được dịch Covid-19, đời sống đã trở lại bình thường mới, vì vậy một bộ phận lớn người dân nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là phòng, chống dịch.

Mặc dù các chuyên gia y tế đã cảnh báo nguy cơ Việt Nam bùng phát đợt dịch thứ 4 rất lớn, và hậu quả sẽ tàn khốc hơn những lần trước, do khả năng dịch bệnh từ bên ngoài tràn vào Việt Nam rất cao, khi các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan đã trở thành điểm nóng. Tuy nhiên, chiến thắng trong các đợt dịch trước, dường như đã “ru ngủ” chúng ta trong thoáng chốc. Người dân cả nước vẫn đổ về các lễ hội, các điểm du lịch để “xả hơi”, các biện pháp kiểm soát dịch cũng trở nên lỏng lẻo…

_mg_4622-web.jpg
Du khách tắm biển Hòn Rơm. Ảnh tư liệu minh họa.

Hậu quả là sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2021, dịch bùng phát dữ dội ở TP. HCM và nhiều đô thị lớn. Các bệnh viện quá tải, “vỡ trận”, số giường bệnh, cơ số thuốc, máy thở, nhân viên y tế không thể đáp ứng kịp việc cứu chữa số lượng bệnh nhân tăng vọt. Đợt dịch thứ 4 như một cơn sóng thần tàn khốc ập đến, cướp đi sinh mạng của hàng vạn người Việt Nam, hàng ngàn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Bằng bản lĩnh, ý chí của cả dân tộc Việt Nam kiên cường, cộng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta mới vượt qua được đại nạn ấy, từng bước phục hồi KT - XH, mở cửa lại du lịch, trường học…

Phải nhắc lại bài học đau thương vẫn còn nóng hổi ấy, để mong mọi người luôn cảnh giác, đừng chủ quan, khi chưa đầy chục ngày nữa là tới kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 khá dài. Cả nước ta vừa kết thúc kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, chúng ta thấy vui vì đời sống xã hội đã trở lại bình thường, du lịch đã hồi phục, những bãi biển đông nghịt người, những khu du lịch “cháy phòng”, những sân bay phủ kín hành khách, những cao tốc kẹt cứng xe cộ… Nhưng đồng thời cũng cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy “biển người” trên bãi biển, mà hầu hết không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn. Thói quen tụ tập, liên hoan của người Việt trong các dịp lễ, tết đang trở lại như chưa hề có dịch. Chưa kể người dân các thành phố lớn ùn ùn đổ đi du lịch, rồi lại ùn ùn trở về thành phố, kéo theo nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Một tâm lý chủ quan, lơ là đang trở lại, do phần lớn người dân đã tiêm đủ 2-3 mũi vắc xin phòng Covid-19, do số ca nhiễm trong cộng đồng, số ca chuyển nặng và tử vong đều có xu hướng giảm từ cuối tháng 3 đến nay. Tuy nhiên, tại phiên họp mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Chúng ta có thể đủ sức đối phó những chủng vi rút cũ, nhưng nếu xuất hiện những biến chủng mới thì sẽ gặp khó khăn, bị động, bất ngờ, do đó tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Rút kinh nghiệm xương máu là những kỳ nghỉ lễ dài ngày luôn đi kèm với nguy cơ dịch bùng phát. Ở Bình Thuận trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 9 ngày vừa qua, chính quyền đã kiên quyết tạm dừng các sự kiện tập trung đông người, như dừng tổ chức lễ hội pháo hoa, đua thuyền; dừng các hoạt động thể thao như giải bóng đá Futsal, bóng đá bãi biển, hội thi chạy vượt đồi cát, leo núi Tà Cú. Các chương trình văn hóa – nghệ thuật mừng Đảng - mừng xuân cũng chỉ tổ chức ghi hình phát trên sóng truyền hình…

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2022 đang tới gần, thời tiết nắng nóng, dự báo lượng người dân đi du lịch biển sẽ tăng cao, nếu tập trung đông người mà không tuân thủ các quy định phòng chống dịch, thì nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Để có một kỳ nghỉ lễ vui tươi và an toàn, phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và du khách tự giác thực hiện các quy định phòng dịch.

Đặng Dũng