Mùa cuộn rơm

Kinh tế - Ngày đăng : 05:28, 15/04/2022

Đang thời điểm thu hoạch chính vụ lúa đông xuân cũng là lúc mùa cuộn rơm “rầm rộ” nhất trong năm. Tuy nhiên, khác mọi năm, năm nay người làm lúa dù có rơm rất đẹp nhưng mỗi sào phải bù cho người gặt 50.000 đồng.
thu-hoch-lua-nh-nl-.jpg
Thu hoạch lúa. Ảnh: N.Lân

Chung “số phận” với thanh long

Nhắc đến rơm là nhắc đến vựa lúa Đức Linh, Tánh Linh. Mùa này đi trên những tuyến đường nội đồng từ Tánh Linh sang Đức Linh, đâu đâu cũng thấy máy gặt liên hợp lăn bánh gặt lúa trĩu hạt chín vàng. Mồ hôi nhễ nhại lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ đen nhẻm, anh Nguyễn Văn Thủy ở khu Hà Bắc, xã Bắc Ruộng, Tánh Linh đang vác từng cuộn rơm chất lên xe để chở về kho, dừng tay anh nói vội với tôi: Đây là ruộng nhà mình, đang thu hoạch 2 ha lúa nhưng lời chẳng bao nhiêu nên mình xin chân việc bốc vác rơm để kiếm thêm thu nhập. Vụ đông xuân năm nay được mùa nhưng giá lúa cũng như mọi năm, trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao nên nông dân làm lúa không có lãi bao nhiêu. Đã vậy, còn mất thêm nguồn thu từ rơm rạ, sản phẩm mà nhiều năm nay nhà vườn chọn ủ gốc cho thanh long. Năm nay thanh long rớt giá thê thảm, nhiều nhà vườn chặt bỏ hoặc không chăm vườn, nên cũng không còn chuyện lo cái gốc cây được ấm hay bị lạnh…

Vì sao dân làm thanh long ưu chuộng rơm khô để ủ gốc mà không chọn các loại cây khác như đậu phụng dại… Lý giải vấn đề này nhiều người làm thanh long cho biết: Rơm hơn các loại cây khác bởi khi ủ dưới gốc thanh long giữ được độ ẩm lâu làm mát gốc thanh long dài ngày hơn một số loại cây khác. Ngoài ra, sau một thời gian ủ gốc, rơm mục đi sẽ biến thành phân bón tự nhiên vừa làm xốp đất và giúp cây thanh long có thêm nguồn năng lượng “sạch” đáp ứng được các tiêu chí cho nhà vườn làm VietGAP. Từ đây, nhà vườn giảm được một phần chi phí phân bón, theo tính toán cứ 1 ha thanh long khoảng 1.000 trụ cần từ 100 – 200 cuộn rơm mới ủ tốt. Mà toàn tỉnh có đến vài chục ngàn ha thanh long nên hơn 80% nguồn rơm trong tỉnh tiêu thụ cho thanh long. Không ai nhớ chính xác lúc nào mà rơm rạ đã hình thành 1 thị trường sôi động nhưng nhận biết “rơm rạ” tại Bình Thuận không phải là thứ không có giá trị. Chính thanh long đã giúp rơm rạ thành 1 mặt hàng có giá bán rõ ràng, hơn thế còn phải “săn” tận ruộng. Những năm trước người làm lúa không phải tốn tiền thuê máy gặt mà chỉ việc giao lại rơm cho người gặt xem như “cấn ngang”. Đây là khoản chi phí khá lớn vì mất vài triệu đồng cho mỗi ha gặt, có khi lúa đẹp, rơm đạt người gặt còn trả thêm tiền cho người trồng lúa. Nhưng đó là của thời gian trước. Còn bây giờ, như năm nay người làm lúa dù có rơm rất đẹp nhưng mỗi sào phải bù cho người gặt 50.000 đồng, bởi thanh long và rơm cùng chung số phận… đang rớt giá. Kéo theo, nghề làm rơm tưởng nhàn tênh bỗng thêm nhọc nhằn.

mua-rom-2.jpg

Nghề làm rơm cũng lắm công phu

Đầu tiên là tốn khá nhiều chi phí cho máy móc, kho chứa rơm và phải am hiểu thị trường. Có người làm rơm trở nên khá giả nhưng có người lại bị lỗ nặng do dự báo thị trường không chuẩn. Tôi biết anh Trần Văn Luật ở Bắc Ruộng, Tánh Linh khá lâu, anh là người được xem là tiên phong trong vùng khi mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư đồng bộ cơ giới hóa nông nghiệp từ máy cày, xới, gặt đập liên hợp cho đến xe cuộn rơm. Đầu tư 2 xe cuộn rơm hơn 400 triệu đồng, xây kho chứa rơm gần 300 triệu đồng. 7 năm nay nhờ vừa làm máy gặt kèm theo cuộn rơm và có kho chứa rơm nên anh có doanh thu và lợi nhuận ổn định. Dù đã điện thoại hẹn gặp nhưng anh Luật thật thà cho hay là đang cao điểm mùa gặt và cuộn rơm nên anh phải luôn túc trực ngoài ruộng để điều hành nhóm thợ gặt và cuộn rơm nên làm có khi 9 giờ tối mới về tới nhà, sáng 5 giờ đã có mặt ở ngoài đồng. Cũng may, tôi đang đi thực tế ở cánh đồng Bắc Ruộng thì thấy anh Luật đang ngồi nghỉ chân bên đám ruộng đang gặt.

Vài câu xã giao, tôi hỏi: Mùa này làm rơm được không anh? Anh Luật nói như được cởi tấm lòng. “Khó khăn như thanh long! Nhờ mình có máy gặt liên hợp và cuộn rơm đầu tiên ở trong vùng nên được người dân biết nhiều. Vì vậy vào mùa gặt làm không kịp, rơm mình làm cũng khá kỹ như phải phơi nắng từ 2 đến 3 ngày để rơm khô, không bị mốc nên có thể bán cho vùng từ Tuy Phong ra Ninh Thuận để người chăn nuôi làm thức ăn cho bò, cừu… Còn với một số người làm rơm khác đã “bỏ của chạy lấy người” bởi hiện nay dân làm thanh long đang ngưng lấy hàng…

Nhắc đến đây tôi lại nhớ bài hát thời thơ ấu “Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm, bà bện chổi to bà làm chổi nhỏ…”. Có lẽ thời ấy rơm chưa có giá trị như bây giờ, ngoài làm chổi (ở phía Bắc, trong Nam ít ai làm) thì rơm chỉ cung cấp một phần nhỏ thức ăn cho trâu, bò, còn hầu như chỉ đốt tại ruộng để cải tạo đất. Những năm trước thời điểm giá thanh long lên cao, rơm cũng nằm mức 30.000 – 35.000 đồng/cuộn, người làm rơm có lãi đậm. Năm 2021, giá thanh long xuống thấp nên rơm mua vào 22.000 đồng/cuộn và bán ra 24.000 – 25.000 đồng/cuộn, còn hiện nay giá rơm chỉ còn 15.000 đồng/cuộn nhưng xuất đi chưa được nhiều…Giá rơm lên xuống thất thường nên nhiều người đầu tư làm kho chứa rơm để cung cấp cho thị thường cũng lời lỗ thất thường. Ví như anh Nguyễn Lâm ở Võ Xu, Đức Linh về vùng bắc sông Tánh Linh đầu tư 3 kho rơm nhưng do thiếu kinh nghiệm dự đoán thị trường nên khi nhập hàng vào giá cao để trữ và khi xuất đi giá không lên nên 2 năm nay anh bị lỗ nặng phải rao bán kho rơm.

Mùa cuộn rơm cũng là lúc những xe vận chuyển rơm hoạt động liên tục chạy đi nhiều tuyến trong tỉnh, vào cả Đồng Nai và ra Ninh Thuận. Không khó để nhận ra những chiếc xe rơm được tài xế tận dụng chất cao quá thùng xe mà dù đã có gắn che chắn, ràng buộc kỹ càng nhưng bên hông xe vẫn lòi ra… rơm. Mùa cuộn rơm không phải tới vụ đông xuân mới có, mà rơm vẫn có vào mùa hè thu hay vụ mùa nhưng rơm ở 2 vụ này thường gặp mưa nên khó phơi hoặc có trường hợp lúa ngã do thời tiết nên lấy rơm khó và ít hơn vụ đông xuân. Mặt khác, rơm vụ đông xuân đạt chất lượng nên được thị trường ưa chuộng hơn… Mùa cuộn rơm cũng là mùa giới chạy xe chở rơm và những hộ làm rơm trông chờ nguồn thu nhập chính sau vụ đông xuân. Tuy nhiên, năm nay xem ra rơm cũng đang thất thu như thanh long…

Phóng sự của TRẦN THI