Trầm cảm người trẻ gia tăng, vì sao?

Bạn đọc - Ngày đăng : 05:51, 15/04/2022

Chỉ vài ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 đã có liên tiếp 5 vụ học sinh tìm đến cái chết. Tình trạng trầm cảm ở học sinh đang rất đáng báo động, các vụ tự tử cứ liên tục gia tăng.

Cứ sau mỗi sự việc đau lòng xảy ra, dư luận lại ào ạt “tổng sỉ vả” bằng những câu lên án, quy kết không tiếc lời.

2-tkts-581758-3-01.jpg
Ảnh minh họa.

Người cho rằng, nguyên nhân những cái chết tức tưởi ấy là do cha mẹ các em gây nên khi bắt con học hành quá nhiều. Người lại khẳng định tất cả là do bệnh thành tích trong ngành giáo dục tạo ra.

Mất con đã là nỗi đau tận cùng, nay lại phải gánh thêm bản án của dư luận là “giết con” chẳng khác gì án “tử hình’ dành cho họ. Rồi những gia đình ấy, họ sẽ sống thế nào trong suốt cả quãng đời còn lại với nỗi đau mất con và dư luận của xã hội?

Người trẻ tìm đến cái chết khi đang là học sinh chưa hẳn là do ba mẹ ép học, cũng chưa hẳn là do áp lực học tập quá nhiều từ phía nhà trường mang lại. Cuộc sống nào mà chẳng phải chịu áp lực? Không có áp lực cũng sẽ không còn cuộc sống. Vì thế, loại bỏ áp lực hoàn toàn là điều không thể. Vì thế, chẳng lẽ cứ mỗi lần gặp phải áp lực lại nghĩ đến chuyện quyên sinh? Vấn đề là chúng ta phải làm sao để con trẻ thấy áp lực sẽ phấn đấu vươn lên chinh phục hoặc biết cách vượt qua nó. Đừng để trẻ nhìn thấy áp lực là sợ và có suy nghĩ tiêu cực.

Thời của cha ông ta, rồi của chúng ta trước đây, buổi đến trường, buổi phải vật lộn với cuộc sống để kiếm tiền đã phải chịu áp lực không hề nhỏ. Ở lớp, mỗi khi không thuộc bài còn bị thầy phạt quỳ trên gai mít, bị bêu tên trước lớp, trước cột cờ, bị gửi giấy mời phụ huynh đến tận nhà.

Còn ở nhà, mỗi khi mắc lỗi cũng bị cha mẹ phạt roi đến nát mông, bị la mắng bằng những “bài ca không quên” nhưng có mấy ai lại chọn cách quyên sinh để giải thoát như cách mà một số em đã lựa chọn?

Người trẻ bây giờ được sống trong đủ đầy, được cha mẹ bảo bọc từ A đến Z, được học kiến thức nhiều. Cái thiếu của các em không phải là tri thức mà là kỹ năng ứng biến trước cuộc sống. Vì thiếu kỹ năng nên khi gặp một chuyện gì đó cho là áp lực đã không đủ bình tĩnh, không đủ can đảm để vượt qua. Nhiều em thiếu cả sự kết nối với người lớn nên dễ dẫn đến phát sinh những suy nghĩ tiêu cực nhưng không ai biết để can thiệp kịp thời.

Giảm áp lực từ gia đình, từ trường học cũng chưa chắc đã giảm được những vụ tự tử đau lòng như trên. Điều cần thiết là trang bị cho trẻ những hiểu biết, những kỹ năng để biến những áp lực mà các em gặp phải thành động lực để phấn đấu, để vượt qua.

Những chuyện đau lòng xảy ra đối với con trẻ, thay vì đổ lỗi, mỗi chúng ta cần tìm ra giải pháp để thay đổi, để hạn chế mới mong không còn những kết cục bi thảm như vậy xảy ra làm đau lòng cả người đi và người ở lại.

Không gì hiệu quả hơn bằng việc, cha mẹ cần học cách làm bạn với con để nghe chúng giãi bày, tâm sự mà tránh áp đặt mọi chuyện buộc trẻ phải nghe theo những sắp đặt của người lớn. Ở trường, thầy cô cần hơn nữa sự thấu hiểu, cảm thông từ thầy cô để gần gũi các em hơn. Được như thế, dù trẻ có gặp áp lực thế nào cũng sẽ biết cách hóa giải khi bên mình luôn có người đồng hành, động viên và giúp đỡ.

Phan Tuyết