Gây nhau vì cách dạy con cháu

Đời sống - Ngày đăng : 06:02, 15/04/2022

Trong một lần tụ tập cà phê cuối tuần của hội chị em, chúng tôi vô tình “tám” về chuyện con cái, nên sinh một hay hai cho có anh có em. Coi bộ đề tài này “gãi” đúng chỗ ngứa nên ai cũng tranh nhau thao thao kể.

Ai cũng tán thành việc sinh hai con để cho có anh có em, duy chỉ có Na là yên lặng. Tôi lấy làm lạ vì dẫu Na mới có 1 cậu con trai nhưng trong nhóm cũng còn hai cô bạn nữa mới một đứa họ vẫn nhất trí là sẽ làm “tập 2” còn Na thì cứ giữ im lặng kiểu như sợ sinh đứa nữa lắm mà không dám phản đối ý kiến của mấy chị em nên im. Tôi động viên:

- Làm tập 2 nữa chớ Na, kệ, khổ xíu mà Bon có anh có em, thui thủi chơi một mình tội lắm, với lại mai mốt công chuyện gì còn có người san sẻ chứ có mình Bon mai mốt cái gì cũng tới tay tội lắm à.

screenshot_1649977433.png

Na giãy nảy:

- Thôi thôi, em sợ lắm luôn á. Có một đứa mà em với má chồng còn hục hặc suốt, hai đứa chắc chết quá.

Mọi con mắt đều dồn về Na như giục hỏi lý do sao lại gây, thì bởi hồi trước khi chưa cưới Na vẫn thường hay khoe má chồng tương lai tâm lý lắm, lại giỏi giang, ba chồng mất sớm ở vậy nuôi con ăn học thành tài. Giờ nghe hai má con gây nhau thì không ngạc nhiên sao được. Như hiểu được mọi người đang chờ đợi điều gì, Na thủng thẳng kể:

Hồi chưa có thằng Bon, hai má con vui vẻ dữ lắm, má chồng lúc nào cũng con con ngọt sớt. Từ hồi sanh thằng Bon thì gây em suốt thôi. Mà có gì đâu, cũng loanh quanh chuyện chăm sóc dạy dỗ thằng Bon thôi. Em làm cái gì má chồng cũng không hài lòng hết. Mấy chị coi, thằng Bon mười tám tháng em cai sữa, con nít mà cai sữa thì phải khóc, má chửi nói thằng nhỏ mới chút xíu mà không chịu cho nó bú, hồi xưa chồng mày bú tới bốn, năm tuổi thì sao. Em cũng giải thích tới 18 tháng thì sữa mẹ hết chất rồi, bú vậy no hơi thằng nhỏ không chịu ăn, không đủ chất. Rồi em nhất quyết làm theo ý em, thằng Bon cũng dạng khó cai sữa, khóc vật vã cả tuần, má chồng chì chiết em không còn gì luôn, nói em sợ xấu không cho thằng nhỏ bú, mẹ gì mà ác thấy con khóc mà cũng bỏ mặc vậy. Ủa, thì em cũng dỗ mà thằng Bon có chịu nín đâu. Chồng em thấy hai má con gây nhau thì bỏ vô phòng làm việc ngủ ở trỏng luôn.

Em mệt mỏi gì đâu, kiếm công chuyện đi làm, bỏ Bon cho bà nội chăm chứ nhỏ quá chồng không cho gửi trẻ. Bà nội thương cháu gì cũng chiều, không uống sữa, không chịu ăn cơm là lấy ipad ra dụ. Riết rồi suốt ngày coi ipad, giờ ba tuổi rồi mà mới nói được mấy tiếng. Em góp ý thì chửi nói nó coi có xíu có sao đâu, con nít mấy nhà xung quanh đứa nào chẳng coi điện thoại mà vẫn lớn vẫn phát triển phà phà đó thôi. Em tức quá nói chồng góp ý cho má sóng điện thoại không tốt, cho coi nhiều không những hư mắt mà còn rối loạn ngôn ngữ, tự kỷ. Chồng em thì thương má vất vả bao năm không muốn làm má phật ý gì cũng đùn qua cho em nói mà em nói thì ghét em, chửi em. Khổ gì đâu mà khổ.

Tới hồi ba tuổi em bắt Bon đi học mẫu giáo để tách bà nội ra, trời ơi, má chồng em khóc quá trời mà hên chồng em cũng quyết cho thằng Bon đi học nên không chửi em. Từ hồi đi học thằng nhỏ ngoan ra, nói biết nghe lời em mừng muốn chết. Ai dè học được vài tháng dịch bùng phát trường đóng cửa phải cho nghỉ học ở với bà nội, rồi bà nội lại dạy theo cách của bà nội, nó đòi gì cũng chiều theo, suốt ngày coi youtube tiếng Việt không nói toàn nói tiếng tây tiếng tàu không, đã vậy còn sinh thêm tật hễ đòi gì không được là nằm giãy đành đạch khóc cho chừng nào đồng ý mới thôi. Bữa nay hư dữ lắm, hôm trước đòi ipad mẹ không đưa lao vào đánh em luôn. Em phải chịu trận chứ đánh lại nó la khóc là bà nội lại làm rần rần lên hết. Em chỉ trông cho trường mở cửa lại gửi đi học chứ để ở với bà nội hoài vầy chắc em dạy không nổi nữa. Bởi vậy giờ nghe tới đẻ đứa nữa em sợ gì đâu, chồng em cũng đồng tình là không đẻ nữa, ảnh cũng thấy cũng hiểu hết mà có điều không chịu nói má thôi.

Mấy chị em khuyên hai vợ chồng Na nên ra riêng, Na cười buồn “Chồng em con một, ba mất sớm má một mình nuôi ăn học giờ sao nỡ bỏ má ở mình được mấy chị”. Đúng là khổ thật, chỉ vì thương cháu quá mà má chồng con dâu xích mích đến vậy.

Chuyện ba mẹ dạy một kiểu, ông bà dạy một kiểu thì tôi thấy nhiều gia đình. Thường ông bà hay cưng chiều cháu, còn cha mẹ thì nghiêm khắc hơn nên trong cách dạy dỗ con/cháu xung đột là chuyện thường. Như chị hai tôi ở gần ông bà ngoại, hồi trước hay chở hai đứa nhỏ về chơi với ông bà vào thứ 7, chủ nhật, nghỉ hè còn cho vào ở cả tháng, dạo này thì hạn chế hẳn khi nào về chơi phải có ba hay mẹ đi kèm. Lý do chị làm vậy vì vào ông bà ngoại chiều quá, muốn xem tivi ông cho xem cả ngày, muốn ăn gì uống gì ông đều lóc cóc đạp xe đi mua. Riết thành ra hai đứa nhỏ sinh hư vòi vĩnh đủ thứ vì biết ông bà thương, đến độ ông đi mua đồ ăn sáng mua chai trà xanh về, cháu khóc đòi uống sting chứ không uống trà xanh ông lại lóc cóc đạp xe đi mua sting. Thế là anh chị lo sợ con sinh hư nên hạn chế chở vào chơi lại sợ ông bà buồn nên không nói thẳng cứ viện đủ thứ lý do.

Dạy con thì mỗi nhà một kiểu không nhà nào giống nhà nào, ngay cả hai vợ chồng có khi cũng còn không tìm được tiếng nói chung khi dạy con, có thêm ông bà ở chung thì lại thêm phần rối rắm. Ông bà luôn cho rằng con nít chưa biết gì, chừng nào lớn muốn dạy gì thì dạy sau, còn cha mẹ thời nay tiếp xúc nhiều nguồn thông tin mở trên internet nên có quan điểm khác, dạy con phải dạy từ khi lọt lòng, tạo những thói quen tốt cho con, muốn vậy thì phải rèn nghiêm khắc. Đúng là con nít chưa hiểu biết nhiều nhưng rất tinh tường nhận biết ai thương mình nhất, khi không được theo ý sẽ khóc lóc chạy tìm kiếm “đồng minh”. Ông bà thương cháu quá thì việc rèn luyện nghiêm khắc vô nề nếp của cha mẹ sẽ vấp phải phản đối, từ đó xảy ra mâu thuẫn trong gia đình. Vợ chồng ở riêng thì còn dễ “tách” cháu ra khỏi ông bà còn ở chung thì thật là khó. Quan điểm là thứ khó thay đổi, nhất là đối với những người già, họ luôn cho rằng mình đã sống gần hết đời người nên con cái góp ý sẽ gạt đi “mẹ nuôi chúng mày lớn chừng này chẳng lẽ không biết chăm cháu”. Ông bà đâu biết rằng mỗi thời đại mỗi đổi thay, cách dạy con cũng phải thay đổi sao cho hiện đại, hiệu quả. Cho nên những xích mích giữa con cái – cha mẹ, mẹ chồng – nàng dâu cũng từ đó mà ra, âm ỉ hoài chẳng thể giải quyết được, cuối cùng người chịu nhịn bao giờ cũng là người mẹ/con dâu. Dẫu thấy được bản chất vấn đề nhưng để mở nút thắt lại không hề dễ dàng, vậy mới thấy câu nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” thật đúng với trường hợp này.

Ngân Vy