Đông Phi đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm
Quốc tế - Ngày đăng : 10:39, 17/04/2022
Một đợt hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong 40 năm sẽ xảy ra tại một phần Đông Phi, bao gồm vùng Sừng châu Phi- bán đảo thuộc Đông Phi lấn ra biển Ả Rập và nằm dọc theo bờ phía Nam của Vịnh Aden, khiến chủ trang trại và nông dân lo lắng chuẩn bị đối phó.
Cơ quan liên Chính phủ về Phát triển châu Phi, dự báo khả năng không có trận mưa nào trong năm thứ 4 liên tiếp. Và thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn so với nhiệt độ tăng cao ở Ấn Độ Dương gây ra những cơn lốc xoáy thường xuyên. Giới khí tượng học cho rằng, đó là hậu quả của con người gây ra biến đổi khí hậu.
Nguồn sinh kế của người dân Đông Phi chủ yếu làm nông nghiệp nhờ nước trời, nhưng thiếu hụt lượng mưa, khả năng ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Văn phòng nhân đạo Liên Hiệp Quốc cảnh báo tuần qua, hạn hán “có nguy cơ trở thành một trong những tình trạng khẩn cấp tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây ở vùng Sừng châu Phi do biến đổi khí hậu gây ra”.
Mama Charity Kimru, người chăn nuôi, trồng rau củ, quả hỗn hợp trong trang trại 12 ha ở tỉnh Nyandarua, cách thủ đô Nairobi của Kenya 126 km về phía Bắc, là 1 trong số những chủ trang trại đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi hạn hán xảy ra.
Kimaru nói: “Nhiệt độ gia tăng được ghi nhận trong vài tháng qua, khiến đồng cỏ chăn nuôi gia súc của cô bị ảnh hưởng và những cây trồng mà cô đã trồng dự kiến phát triển trong mùa mưa kéo dài, đã thất bại.
Cơ quan dự báo thời tiết cho biết hồi tháng 2, Đông Phi chuẩn bị một mùa mưa dài và “ẩm ướt hơn so với mức trung bình”, những trận mưa như trút nước từ tháng 3 đến tháng 5, nhưng nay họ đang xem xét lại dự báo của mình.
“Mùa mưa ở khu vực này chủ yếu trong 3 tháng gồm các tháng 3, 4, 5 và thật đáng buồn, chúng tôi đang xem xét lại, không chỉ 3 mà còn có thể là 4 mùa thiếu mưa liên tiếp”, Workneh Gebeyehu – Thư ký điều hành cơ quan liên chính phủ cho biết.
“Điều tồi tệ này, cùng với những nhân tố căng thẳng khác như xung đột ở cả khu vực của chúng tôi và châu Âu, rồi tác động Covid-19, và những thách thức kinh tế vĩ mô dẫn đến mất an ninh lương thực ở khu vực Sừng châu Phi” Gebeyehu lo ngại nói thêm.
Lượng mưa dưới mức trung bình năm 2022, khả năng kéo dài điều kiện khô hạn chưa từng có kể từ trận hạn hán khốc liệt năm 1981. Ethiopia, Kenya và Somalia - những quốc gia lượng mưa vốn đã giảm sẽ ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ nạn đói thảm khốc.
Thiếu mưa vào cuối năm ngoái và hạn hán diễn ra liên tục trong mùa mưa hiện nay dẫn đến mất mùa, gia súc chết, giá lương thực tăng cao, xung đột giữa các cộng đồng về khan hiếm cỏ và nguồn nước cạn kiệt.
Evans Mukolwe, cựu quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết: Bất cứ lúc nào chúng ta hứng chịu những cơn lốc xoáy dữ dội ở Tây Nam Ấn Độ Dương, chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị cho một mùa hạn hán kéo dài ở Đông Phi và khu vực Sừng châu Phi. Điều này là vì những cơn lốc xoáy hút hết hơi ẩm khu vực này làm mất đi lượng mưa cần thiết. Đó là hình mẫu cho nhiều thập kỷ.
Các tổ chức cứu trợ lo ngại về những tác động xấu của biến đổi khí hậu ảnh hưởng khu vực này trong tương lai. Chuyên gia kinh tế và nông nghiệp Sean Granville-Ross thuộc tổ chức từ thiện Mercy Corps tại Kenya cho rằng, đây không phải là hạn hán đầu tiên ở vùng Sừng châu Phi, cũng không phải là đợt hạn hán cuối cùng.
Khi tình trạng khẩn cấp về khí hậu trở nên xấu hơn, hạn hán sẽ trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Biến đổi khí hậu tác động đến con người không thể chờ cho một cuộc khủng hoảng kết thúc trước khi chuẩn bị cho cuộc tiếp theo. Phản ứng quốc tế trong vấn đề này phải ưu tiên nhu cầu hiện nay trong lúc phân bổ các nguồn lực dài hạn, can thiệp thông minh sẽ mang lại kết quả thay đổi lâu dài và hỗ trợ các cộng đồng chống chịu hạn hán tốt hơn.