Nỗ lực giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 18/04/2022
Đối với công tác này, Bình Thuận xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid - 19. Do đó, sau khi có các văn bản thông báo vốn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì UBND tỉnh kịp thời phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2022 đúng theo quy định. Đồng thời giao các sở ngành, địa phương và chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt những giải pháp phù hợp điều kiện tình hình để giải ngân vốn đầu tư công đạt yêu cầu…
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 4.815.180 triệu đồng, chủ yếu từ các nguồn: Vốn ngân sách Trung ương trong nước, vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước, vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối tỉnh, vốn xổ số kiến thiết… Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công năm nay tính đến ngày 10/4 vừa qua là 1.227.184 triệu đồng, đạt 25,49% kế hoạch và tăng 17,2% so quý I năm ngoái (giải ngân quý I/2021 đạt 8,29%). So kế hoạch, giải ngân vốn ngân sách Trung ương trong nước có tỷ lệ cao nhất với 50,56%, tiếp đến vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước đạt 27,85%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 11,61% và vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối tỉnh là 10,41%.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Bình Thuận trong những tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận có 6 chủ đầu tư giải ngân đạt hơn 40% kế hoạch, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Hàm Thuận Bắc. Ngoài ra, có 13 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 10 - 40% kế hoạch vốn năm nay và 7 chủ đầu tư giải ngân đạt tỷ lệ dưới 10%, tuy nhiên còn 7 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn… Riêng các công trình trọng điểm của tỉnh, cùng thời gian đã giải ngân được 91.697 triệu đồng trong tổng kế hoạch vốn năm nay là 576.000 triệu đồng, đạt tỷ lệ 15,92%. Dự kiến trong năm 2022 sẽ có một số công trình, dự án trọng điểm thi công hoàn thành: Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện); Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận; Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ.
Công trình Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận dự kiến thi công hoàn thành trong vài tháng tới.
Với kết quả nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh biểu dương 6 chủ đầu tư thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ hơn 40% kế hoạch năm. Để đẩy mạnh tiến độ và hướng tới giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao, tới đây địa phương sẽ yêu cầu các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý cũng như có giải pháp tập trung giải ngân vốn. Ngoài ra cũng thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ triển khai, trường hợp dự án không thực hiện đúng tiến độ thì kịp thời đề xuất điều chuyển nội bộ vốn cho dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm. Trong khi đó với các công trình khởi công mới năm 2022 sẽ khẩn trương thực hiện công tác đấu thầu xây lắp (chậm nhất trong quý II này) để sớm triển khai thi công và xúc tiến giải ngân kế hoạch vốn được giao…
Tính riêng nguồn ODA (vốn ngoài nước), năm nay kế hoạch có 184.734 triệu đồng, tính đến thời điểm 10/4/2022 đã giải ngân 2.468 triệu đồng, đạt tỷ lệ 1,34%. Các dự án ODA chậm giải ngân chủ yếu do phụ thuộc quy trình của nhà tài trợ, thời gian phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến về nội dung đấu thầu, giải ngân, gia hạn hợp đồng nên mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân (thực tế cho thấy dự án ODA thường giải ngân tốt vào quý III và IV hàng năm)… Vì vậy thời gian tới, các chủ đầu tư cần chủ động làm việc với cơ quan Trung ương và nhà tài trợ, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để sớm giải ngân hết kế hoạch vốn được phân khai.