Nghị lực của cậu học trò khuyết tật
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:32, 18/04/2022
Mấy ai biết được để có thể đến lớp đúng độ tuổi, học hoà nhập cùng các bạn bình thường đồng trang lứa, Kỳ đã phải nỗ lực và cố gắng không ngừng. Sinh ra chưa tròn tháng đã vội rời xa vòng tay cha mẹ, bởi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Em lớn lên trong sự bảo bọc, nuôi nấng của ông bà Nội. Không chỉ vậy, với bệnh tim bẩm sinh, bị nhiễm trùng huyết khi chỉ mới vài ngày tuổi, ông bà đã phải chật vật giành lại sự sống cho em, khi bác sĩ tiên lượng “hy vọng rất mong manh”. Chưa dừng lại ở đó, Kỳ còn được chẩn đoán chậm phát triển tâm thần vận động. Quá nhiều điều không may xảy ra với em. Thế nhưng vượt lên tất cả, tình thương của Nội đã tiếp thêm cho Kỳ nội lực để có thể chống đỡ lại những bất hạnh của cuộc đời mình. Vậy mà cũng đã 10 năm trôi qua, em lớn lên, trưởng thành từng ngày bằng hành trang mà một người mẹ mang tên “bà Nội” đã chắt chiu gói ghém.
Ngập ngừng chia sẻ về niềm vui của mình, ánh mắt và giọng nói của Kỳ làm chúng tôi chạnh lòng. Ước mong giản đơn của cậu học trò nhỏ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, là đến trường để được học, được chơi cùng các bạn. Mái trường, chính là ngôi nhà thứ hai, nơi đó có những thầy cô, những bạn bè sẵn sàng bên cạnh, giúp đỡ, yêu thương để Kỳ có thể tự tin hoà nhập. Hình ảnh Kỳ với những bài học ở lớp, chậm rãi và đầy nỗ lực. Giờ chơi, rộn rã tiếng cười trong vòng tay bạn bè, những ánh mắt trẻ thơ cứ thế gieo ấm áp vào lòng người. Có lẽ chính vẻ hồn nhiên, ngây thơ của các em đã giúp đong đầy khoảng trống của những khiếm khuyết, những điều không may.
Đối với cô Phạm Thị Phúc thì chẳng hạnh phúc nào bằng khi đứa cháu trai mà mình đã dành hơn cả tình thương của một người bà để dưỡng dục, nuôi nấng có được một sức khoẻ tốt, một tinh thần lạc quan. Thế nhưng mỗi ngày trôi qua, nhìn Kỳ lớn khôn, bên cạnh niềm vui, cô lại khắc khoải, lo lắng cho chuỗi ngày dài… một khi tuổi đã lớn. Còn đối với Kỳ, có lẽ vẫn quá nhỏ để em có thể nghĩ và hiểu về chuyện của “ngày mai”, chẳng mơ ước xa xôi, mỗi ngày của em là phụ bà việc nhà và cố gắng học để không phụ lòng người bà mà em rất mực yêu thương.
Con đường đến trường của Nguyễn Lê Vĩnh Kỳ cũng như những học sinh khuyết tật khác dẫu không ít khó khăn… thế nhưng bên cạnh tình yêu thương của gia đình, chính sự đồng cảm, sẻ chia của thầy cô, bạn bè và vòng tay luôn dang rộng của cộng đồng xã hội đã tiếp thêm cho những hoàn cảnh kém may mắn ấy nghị lực để khắc phục chông gai… hướng về một ngày mai tươi sáng.