Bạo lực Jerusalem thách thức chính phủ liên minh Israel
Quốc tế - Ngày đăng : 14:30, 19/04/2022
Đảng Hồi giáo Raam dọa rút khỏi liên minh cầm quyền
Tình hình Jerusalem và nội bộ Israel trong những tuần qua đã nóng lên. Thứ nhất, Israel liên tiếp chịu các cuộc tấn công mà nước này gọi là khủng bố, các cuộc tấn công khiến 14 người Israel thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Trong khi đó, căng thẳng đã bùng phát tại Jerusalem. Cảnh sát Israel đã tăng cường an ninh và các chiến dịch lùng sục, bắt bớ ở Bờ Tây với lý do ngăn chặn bạo lực leo thang. Đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel liên tiếp xảy ra trong những ngày qua.
Thứ hai, đảng Hồi giáo Raam tại Israel, 1 trong 8 đảng của phe cánh hữu, đã đổ lỗi cho chính quyền khi để đụng độ leo thang. Ít nhất 150 người Palestine bị thương và hơn 300 người bị bắt trong cuộc đụng độ tuần qua. Đáng chú ý, các cuộc đụng độ tương tự tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem năm 2021 đã dẫn đến sự bùng nổ của cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.
Đảng Hồi giáo Raam đã tuyên bố đình chỉ vai trò của đảng này trong chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Naftali Bennett. Điều này đặt liên minh cầm quyền tại Israel trước nguy cơ rạn nứt và chính phủ đối mặt với việc phải giải tán khi mất đa số trong quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không có mối liên hệ nào giữa các vụ đụng độ với người Palestine và cuộc khủng hoảng chính trị nhưng cả hai đều là những thách thức mà liên minh mong manh của chính phủ Israel phải đối mặt và khả năng có thể tổ chức bầu cử sớm ở tương lai gần.
Thách thức đối với Thủ tường Bennett
Có thể thấy, Thủ tướng Bennett đang ở trong thế khó khi vừa phải thể hiện quan điểm cứng rắn trong vấn đề Palestine, vừa phải xoa dịu các đảng Arab trong nội bộ Israel để giữ lợi thế trong Quốc hội.
Thứ nhất, căng thẳng giữa Israel và Palestine luôn “âm ỉ” và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Đây có thể là lý do để các đảng đối lập gây sức ép đối với chính phủ liên minh của Thủ tướng Bennett.
Thứ hai, thành viên Yamina trong quốc hội ông Idit Silman và là người đứng đầu Liên minh chính phủ đã tuyên bố rút khỏi liên minh chính phủ vì những bất đồng trong chính sách kinh tế của ông Bennett. Điều này có nghĩa là liên minh không có đủ đa số 61 thành viên quốc hội. Việc này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở Israel.
Thứ ba theo thỏa thuận của liên minh, ông Bennett, thủ lĩnh đảng Yamina sẽ đứng đầu chính phủ luân phiên trong hai năm (2021-2023), sau đó sẽ là ông Lapid, thủ lĩnh đảng Yesh Atid (2023-2025). Nếu chính phủ của ông Benneet bị đổ vỡ ngẫu nhiên, người chiến thắng ngay lập tức là ông Yair Lapid, sẽ nắm quyền trong thời gian 3 tháng cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.
Ngay cả việc liên minh này có một đảng của người Arab tham gia chính phủ không phải xuất phát từ thiện chí mà là nhằm tranh thủ lá phiếu của họ để có thể thành lập một liên minh được Quốc hội thông qua. Cũng chính vì điều này mà nhiều người dự báo căng thẳng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Đây là kịch bản khó với ông Bennett khi phải đối phó với nhiều thách thức từ mâu thuẫn nội bộ, an ninh nội bộ và xung đột với người Palestine cũng như khủng hoảng kinh tế do đại dịch bùng phát. Ông Bennett cũng khó có thể giải quyết đồng thời các thách thức này.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng Israel có thể sẽ tiến hành bầu cử sớm và đây là một kịch bản rất phức tạp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra, ít nhất là trên lý thuyết. Một khả năng khác là đảng Likud sẽ thành công trong việc tranh thủ phiếu bầu của các thành viên quốc hội từ đảng Xanh và Trắng của ông Gantz, thậm chí có thể trở lại giữ quyền thành lập chính phủ. Chính phủ của ông Bennett còn phải đối mặt với tình hình kinh tế và ngân sách. Sức ép từ người dân và các đảng đối lập có thể khiến chính phủ của ông Bennett tan vỡ.
Ảnh hưởng tới quan hệ với các nước Arab
Một khi nội bộ chính trường Israel rơi vào tình cảnh rối ren, không chỉ căng thẳng sẽ gia tăng với Palestine mà quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab nói chung – vốn đang trong quá trình bình thường hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Có thể nói quan hệ giữa Israel và các nước Arab đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Cùng với việc bình thường hóa, Israel cùng UAE, Bahrain, Ma Rốc, Ai Cập, Jordan, Sudan tích cực triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác từ kinh tế, văn hóa, du lịch tới an ninh, quốc phòng. Đây được đánh giá là những bước đi mới, lạc quan cho tương lại hòa bình, ổn định và an ninh ở Trung Đông cũng như quan giữa Israel với các nước còn lại trong thế giới Arab.
Tuy nhiên, những căng thẳng hiện nay đã khiến cho tình hình thay đổi. Những nỗ lực trong việc mở rộng quan hệ ngoại giao với khu vực chắc chắn bị đình trệ, ưu tiên cho những vấn đề nội tại và giữ chiếc ghế của chính phủ liên minh tám đảng do ông Lapid - ông Bennett đứng đầu. Chính sách đối ngoại của Israel còn phụ thuộc vào chính phủ và người đứng đầu chính phủ mới nếu chính phủ của ông Bennett đổ vỡ. Bên cạnh đó, tình hình và quan hệ khu vực cũng phụ thuộc vào sự ổn định trong nội bộ và quan hệ giữa các lực lượng chính trị ở Israel.
Trong thời điểm hiện tại, chính phủ Israel sẽ phải ưu tiên giải quyết một là căng thẳng với người Palestine, hai là giữ chân các đảng liên minh./.