Đừng tái diễn những hành vi “xấu xí”

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:27, 20/04/2022

Tại sao cứ để tái diễn tình trạng cân gian hải sản ở Mũi Né? Việc tuần qua vài du khách phản ánh mua hải sản ở khu vực Làng Chài bị cân thiếu kg không phải là lần đầu tiên, mà đã diễn ra nhiều lần trong những năm gần đây.
img_4014(1).jpg
Khách tham quan, lựa hải sản tại khu vực Làng chài Mũi Né (ảnh tư liệu)

1. Gần nhất là đầu năm 2021, TP. Phan Thiết đã lập đoàn kiểm tra các hộ kinh doanh buôn bán hải sản khu vực này. Qua kiểm tra, có 13/19 cái cân có sai số từ 0,3 - 0,5 kg cho 1 kg thực phẩm. Sau khi kiểm tra, đoàn liên ngành đã lập biên bản những trường hợp vi phạm, cho ký cam kết, đồng thời thu giữ 6 chiếc cân sai lệch lớn. Sau hơn 1 năm, tình trạng cân gian, cân thiếu lại tái diễn ngay khu vực này mặc dù trước đó, chính quyền địa phương tuyên bố sẽ xử lý nghiêm khắc nếu hộ nào tiếp tục mua bán gian dối. Biết rằng, chỉ một số ít tiểu thương nơi đây vì hám lợi mà làm xấu đi hình ảnh Mũi Né thân thiện – mến khách mà bao người dày công xây dựng nên. Sau khi trên các trang mạng xã hội có thông tin phản ánh về việc mua 2 ký ghẹ tại làng chài Mũi Né về cân lại còn 1,4 kg; 1 kg mực khi cân lại còn 7 lạng, UBND TP. Phan Thiết đã họp để xác minh, kiểm tra, tuy nhiên không xác định chính xác người bán để xử lý. Do đó, chính quyền địa phương chỉ cho các hộ kinh doanh nơi đây tiếp tục ký cam kết. Việc UBND phường Mũi Né và TP. Phan Thiết có động thái nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin trên, rất được nhiều tài khoản trên mạng xã hội đồng tình, hoan nghênh. Tuy nhiên, ngoài việc cho các hộ kinh doanh nơi đây ký cam kết, thì ngành chức năng chưa có giải pháp căn cơ nào nhằm chấm dứt tình trạng này thời gian tới, khiến nhiều du khách rất lo ngại và không dám đến khu vực này mua hải sản. Mặc dù phường Mũi Né đã bố trí 2 bàn cân đối chứng tại khu vực Làng Chài, nhưng không biết vì lý do gì, đến nay, 2 bàn cân đối chứng này đã không còn hoạt động.

2. Câu chuyện bắt du khách chuộc điện thoại sau khi nhặt được ở khu vực Bàu Trắng (huyện Bắc Bình) cũng được cộng đồng mạng chú ý tuần qua. Rơi điện thoại là thật, bắt khách trả 5 triệu đồng để chuộc lại là thật, nhưng số tài khoản cũng như cơ sở Minh Thái bị “bốc phốt” trên mạng xã hội lại là câu chuyện tình ngay lý gian. Nhóm khách này dừng chân ở 1 cơ sở khác, không may làm rơi điện thoại khi tham quan trên đồi cát trắng và được nhân viên ở cơ sở đó nhặt được. Sợ chủ phát hiện (không trả lại cho khách) nên nhân viên ấy mới mượn số tài khoản của anh Thái (chủ cơ sở kế bên) cho khách chuyển vào với lý do “người nhà em có chuyển 5 triệu đồng, nhờ anh nhận và rút tiền mặt giùm em”. Anh Thái vô tư nhận lời và không hiểu chuyện gì, cho đến khi anh thấy bảng hiệu cơ sở, tên tuổi mình “nổi như cồn” trên mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, hình ảnh cơ sở làm ăn của anh nói riêng và hình ảnh khu du lịch Bàu Trắng nói chung. Mặc dù sự việc đã được BQL Khu du lịch Bàu Trắng giải quyết êm đẹp ngay sau đó, khách đã nhận lại 5 triệu đồng tiền chuộc, gỡ bài trên các trang mạng xã hội, những nhân viên có lòng tham bị đuổi việc, anh Thái được minh oan, nhưng du khách sẽ cảm thấy chuyến du lịch của mình là kỷ niệm “khó quên”.

Vẫn biết, những hành vi không hay trên vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành khác chứ không riêng gì Bình Thuận. Nhưng cứ để hiện tượng trên tái diễn nhiều lần không chỉ để lại ấn tượng xấu trong mắt du khách khi đến Bình Thuận, mà còn tạo ra những tiền lệ xấu cho ngành du lịch nói riêng, cho hình ảnh đất nước nói chung. Du lịch mới hồi phục sau dịch Covid – 19 cần nhiều thời gian, công sức để thu hút lượng khách sầm uất như xưa, vì thế, mỗi cá nhân nên vì cái chung, cần có ý thức cao về lòng tự trọng; các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn để loại bỏ những hành vi phản cảm, trong đó có tình trạng chặt chém, cân gian trong hoạt động du lịch, cùng nhau xây dựng hình ảnh một Mũi Né thân thiện, nghĩa tình, một Bình Thuận giàu lòng mến khách. Đừng để “Con sâu làm rầu nồi canh”!

Song Nguyên