Kéo giảm nạn xâm hại tình dục trẻ em
Pháp luật - Ngày đăng : 08:11, 20/04/2022
Điều 142 của Bộ luật Hình sự nêu rõ mức phạt đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Cụ thể, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi, bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Còn lại từ 12 - 20 năm đối với trường hợp có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; phạm tội 2 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm...
Vẫn gia tăng
Không chỉ mức phạt tù cao mà còn bị cộng đồng xã hội lên án, những tưởng vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày một giảm, nhưng trái lại vẫn gia tăng. Theo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, từ năm qua đến nay, trung tâm đã trợ giúp pháp lý miễn phí hơn 31 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục theo Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Trong đó, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022 có 13 vụ. Có những vụ cha hiếp dâm con gái và vụ gần đây nhất, trung tâm đang làm thủ tục trợ giúp cho bé gái 14 tuổi, tên L cư ngụ phường Lạc Đạo bị cưỡng bức bên đường Võ Nguyên Giáp, xã Thiện Nghiệp. Nghi phạm đã bị bắt và đang được công an điều tra làm rõ.
L không chỉ thuộc diện được bảo vệ theo Luật Trẻ em mà còn được trợ giúp vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cha mẹ bỏ nhau, em sống với cha - một ngư dân mất sức lao động vì tai nạn lao động trong lúc đi lặn sò cách đây 20 năm. Em vừa bỏ trường, lớp, bỏ bạn đồng môn đi tìm việc làm, gặp một “yêu râu xanh” quen qua mạng xã hội, đội lốt người tốt nhận giúp đỡ em. Tuy nhiên, xin việc làm chẳng thấy đâu lại thấy rước họa vào thân. “Thấy anh ấy qua hình ảnh trên mạng xã hội ăn mặc lịch sự, con tưởng là người đàng hoàng nên đồng ý hẹn gặp. Rồi anh ấy chở con đi lòng vòng, nhưng không thấy đi xin việc làm, còn bảo con vào nhà trọ, con không chịu thì hắn ta bóp cổ con không cho kêu cứu lúc xâm hại”, L kể chuyện buồn của mình.
Những vụ việc trên chỉ là phần nổi trong tảng băng, vì người thân trong gia đình thường giấu hoặc tự thương lượng. Mức xử phạt hành vi xâm hại tình dục trẻ em rất nặng, chỉ một lần xâm hại là đối mặt với án tù từ 7 - 15 năm, nếu 2 – 3 lần trở lên sẽ vào khung tăng nặng 12 - 20 năm. Các bị cáo trong vụ án thường ở khung tăng nặng vì đã xâm hại một lần sẽ có lần thứ hai. Nhiều người không ý thức pháp luật, kiềm chế sự ham muốn của mình dễ sa vào lao lý, một cán bộ trung tâm chia sẻ.
Trách nhiệm của gia đình, xã hội
Để kéo giảm tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, không gì ngoài trách nhiệm của gia đình, xã hội. Cần nâng cao nhận thức cho trẻ em về kiến thức pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ mình, quyền được lên tiếng khi bị xâm hại. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình quan tâm hơn nữa tới mọi mặt của con em mình, có trách nhiệm tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của các em.
Phía nhà trường cần có trách nhiệm tổ chức và tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội, Đoàn, câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội nhằm cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh. Tạo điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ.
Các cơ quan chức năng tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống xâm hại trẻ em; tập trung thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em. Đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại và xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em.
“Trách nhiệm của gia đình, xã hội đóng vai trò rất quan trọng bảo vệ trẻ em; quan tâm, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng tự vệ cho trẻ hơn nữa mới có thể hạn chế tệ nạn”, bà Nguyễn Thị Kiều Châu – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cho biết.
Luật Trẻ em do Quốc hội ban hành ngày 5/4/2016, trong đó, Điều 25 có quy định rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”.