Hồn quê
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:58, 22/04/2022
Thực ra sông Dinh và Hòn Bà quê tôi không có vẻ thâm trầm và mềm mại như Ngự Bình, sông Hương ở Huế. Sông Dinh nặng đầy trắc trở chảy quặn lòng từ Tánh Linh về Tân Minh - Tân Hà - Tân Xuân - Tân An. Khi đến Tân Lý dòng sông mới có chút dịu dàng để tạo nên bến đò Tân Long ngay đầu cửa biển La Gi rồi lặng lẽ hòa vào biển cả. Mùa mưa sông Dinh gầm thét cuộn mình như trút nổi giận vào con người đã tàn phá những bờ tre, cánh rừng chở che nó. Ngược lại mùa khô sông Dinh gập ghềnh giữa lòng Hàm Tân - La Gi, nước chỉ đủ róc rách chen qua từng lạch đá. Nhìn lòng sông cạn, chạnh lòng thương người dân quê tôi chịu lắm gian nan, trắc trở. Lòng sông như lòng người, khi êm ả, khi gập ghềnh, khi trào dâng, khi phẳng lặng.
Sao quên được ngày xưa những đêm hò hẹn. Đập đá Dựng ngồi xem nước róc rách chảy trong trăng. Trăng rơi vàng trên vườn Anh Đào như cổ tích. Sao quên được những trưa hè ngâm tuổi thơ trong dòng nước mát lạnh hoặc dọc bờ sông rủ nhau đi hái trâm nước, hái bông trang. Sông Dinh chảy vào lòng người nỗi nhớ bất tận. Sông Dinh là phần hồn của mảnh đất La Gi, là cội nguồn tạo ra hương sắc quê hương, là mạch sống ươm xanh bãi bờ làng mạc. Sông chắp cánh ước mơ, níu lòng người xa xứ.
Với Hòn Bà, ngọn đảo bé tí nằm bơ vơ trên biển, xa trông giống dấu lặng buồn nhấp nhô trên sóng. Sự hiện diện của hòn đảo nhỏ này như để chở che, giúp đỡ thuyền bè ngư dân khi gặp sóng to, gió lớn. Hòn Bà còn là lời nhắc nhở người dân nơi đây về tình đất, tình biển, tình người. Tương truyền xưa, rất xưa, Hòn Bà nguyên là ngọn núi nhỏ nằm gắn với đất liền. Thế rồi vào một đêm mưa bão, biển nổi giận đã dâng sóng cắt đứt ngọn núi khỏi đất liền. Từ đó núi hóa đảo chịu số kiếp cô đơn trên biển cả.
La Gi có nhiều bãi tắm đẹp, nhưng có lẽ bãi tắm Đồi Dương nơi cách xa 2 km có ngọn đảo nhỏ tên gọi Hòn Bà dễ để lại trong lòng người những ưu tư thương nhớ. Trước mênh mông biển cả, màu xanh của đảo thắp lên biết bao hy vọng, ở đó có bình yên của sự sống cho tất cả vạn vật. Trong một chuyến xa khơi trở về những người con của biển luôn náo nức được nhìn thấy cái chấm nhỏ xanh lơ ấy. Vì đó là quê hương, là linh hồn của Bình Tuy xưa và La Gi nay.