Khảo sát việc thí điểm mô hình tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân
Chính trị - Ngày đăng : 09:07, 24/04/2022
Theo báo cáo của Trại giam Thủ Đức, đa số phạm nhân trước khi vào trại là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định. Thời gian qua, bên cạnh việc quản lý và giam giữ phạm nhân, Trại đã chủ trương tăng cường công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân vừa tham gia lao động sản xuất, vừa học nghề với những ngành nghề như: gia công ghép cá, bóc tách hạt điều, chăm sóc - khai thác cây cao su, trồng rau xanh, điều, mì, may gia công, đan mỹ nghệ. Nhiều phạm nhân sau khi chấp hành án xong trở về địa phương đã phát huy tốt kỹ năng, tay nghề được học trong thời gian chấp hành án tại Trại, nhiều người xin được việc làm ổn định.
Từ kết quả đạt được, Trại giam Thủ Đức cho rằng việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân trong tình hình mới, đồng thời tổ chức tốt hoạt động tái hòa nhập cộng đồng.
Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc quản lý, phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương nhằm nâng cao chất lượng lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Đồng thời thống nhất phương án đề xuất Quốc hội quy định: “Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam được áp dụng chính sách pháp luật hiện hành về thuế như doanh nghiệp sử dụng lao động là đối tượng tệ nạn xã hội, người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho biết, việc khảo sát nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình, làm cơ sở để tham gia thảo luận dự thảo nghị quyết. Đồng thời đề xuất Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết “Thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam” tại kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV, diễn ra vào 23/5.