Lồng ghép nguồn vốn để các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả, thiết thực
Kinh tế - Ngày đăng : 09:34, 24/04/2022
Tại điểm cầu Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Với CTMTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều duy trì mức giảm 1,0 – 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 – 5%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Chương trình gồm 7 dự án, 11 tiểu dự án với nguồn kinh phí thực hiện dự kiến trên 75.000 tỷ đồng.
Tại Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 69/93 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 74,2% tổng số xã, hai huyện đạt chuẩn NTM là Phú Quý, Đức Linh. Trong năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 71/93 xã (đạt 76,34%) và có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3.441 hộ nghèo, chiếm 1,03% so với tổng số hộ toàn tỉnh. Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, tính đến 31/12/2021, toàn tỉnh có 10.552 hộ nghèo, chiếm 3,16% so với tổng số hộ toàn tỉnh; 14.743 hộ cận nghèo, chiếm 4,41% so với tổng số hộ toàn tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Các chương trình MTQG có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và cả nước, nhất là chương trình MTQG XNDTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quán triệt, nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị về các chương trình mục tiêu quốc gia; sớm xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025; lựa chọn nội dung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình. Hướng dẫn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện chương trình trên địa bàn, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, đảm bảo đúng quy định của pháp luật…