Khoai lang Nhật trên đất Đức Linh - hướng đi mới cho nông dân

Kinh tế - Ngày đăng : 10:30, 22/04/2022

Anh Nguyễn Đình Thương ở thôn 5, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh là người đầu tiên đưa khoai lang Nhật về trồng trên đất Đức Linh. Qua 2 năm kiên định canh tác được 7 vụ, với diện tích ngày càng mở rộng, đã mang lại cho anh nguồn thu nhập khá. Hiện mô hình trồng khoai lang Nhật của anh Thương đang được nhiều nông dân trong huyện quan tâm, học hỏi.

Hiệu quả bước đầu

Theo lời anh Thương, trong thời gian sống ở tỉnh Đắk Lắk, thấy người dân nơi này trồng khoai lang Nhật mang lại hiệu quả nên anh học hỏi và quyết định đưa giống về trồng ở quê hương xã Vũ Hòa. Vụ đầu tiên anh trồng là vụ đông - xuân 2019 - 2020, với diện tích 1 ha, tại cánh đồng Tự Túc, xã Vũ Hòa. Nguồn dây giống anh Thương mua ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Với vốn kỹ thuật mới học, cộng với sự năng động và chịu khó, cần cù, ngay vụ đầu tiên anh đã thâm canh thành công khi năng suất đạt 24 tấn/ ha, thu lãi gần 70 triệu đồng. Khởi đầu suôn sẻ, anh phấn khởi liên tục thuê các chân ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng. Đến vụ đông xuân 2021 - 2022 này, anh Thương đã sản xuất lên đến 30 ha khoai lang Nhật trên các cánh đồng “Bồ”, đồng “Tự Túc” của xã Vũ Hòa. Qua 2 năm với 7 vụ trồng khoai lang Nhật đã mang lại cho anh nguồn thu nhập khá.

anh-thuong-thu-hoach-lang-bang-co-gioi-.jpg

Một ngày đầu tháng 4 này, khi tôi đến thăm thì anh Thương đang tất bật thu hoạch ruộng khoai lang Nhật tại cánh đồng “Bồ” với 16 ha. Anh cho biết: “Năng suất khoai lang vụ này đạt 25 tấn/ha. Giá bán củ tại ruộng là 8.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, kể cả tiền thuê đất, nhẩm tính anh thu thực lãi 80 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa”.

Anh Thương chia sẻ thêm: “Việc trồng khoai lang Nhật cũng không khó, nhưng chú ý chọn mua dây giống cho chuẩn, làm đất nhuyễn, tơi xốp và vun hàng cao hơn so với trồng giống khoai lang của Việt Nam. Bên cạnh đó, người trồng phải tuân thủ việc phòng các loại sâu bệnh, nhất là sùng hại củ khoai lang”.

11150007.jpg

Những vụ khoai đầu anh còn vất vả vun hàng bằng phương thức thủ công. Nhưng nhờ thu nhập ngày càng khá, anh đã có điều kiện đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua các loại xe, máy móc để cơ giới hóa việc làm đất, ốp hàng, vun hàng, thu hoạch. Nhờ vậy việc sản xuất vừa nhanh chóng, đạt được yêu cầu kỹ thuật, lại đỡ tốn sức người.

Khoai lang Nhật có thời gian sinh trưởng từ 4 - 6 tháng. Thường khi khoai 4 tháng tuổi là người trồng bắt đầu thu hoạch. Lợi thế của giống khoai này có thể kéo dài thời gian thu hoạch. Sau 4 tháng tuổi, người trồng muốn thì bán, còn nếu như khoai không được giá hay vì một lý do nào khác, có thể “neo củ” thêm được từ 1 - 2 tháng nữa. Thời gian càng lâu, kích cỡ, chất lượng và giá khoai càng tăng, né được tình trạng tư thương ép giá thời điểm chính vụ. Củ khoai lang Nhật da dày màu đỏ tươi, ruột màu vàng có vị bùi, ngọt hơn những giống khoai khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ tiêu thụ”.

Nhân rộng mô hình

Bên cạnh việc gia đình mở rộng sản xuất, anh Thương luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân trong huyện cùng sản xuất khoai lang Nhật. Thuận lợi hiện nay của anh là có sẵn máy móc, kinh nghiệm sẽ hỗ trợ cho các hộ khác về khâu làm đất, sản xuất. Riêng khâu tiêu thụ củ khoai lang Nhật, anh Thương đảm bảo với diện tích 1.000 ha trở lại và bao tiêu theo giá thị trường. Mô hình trồng khoai lang Nhật của anh Thương đang được Hội Nông dân huyện Đức Linh "để mắt". Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh: Thấy mô hình trồng khoai lang Nhật của anh Thương có thể áp dụng cho nhiều địa phương khác, nên Hội đã thông tin cho Hội Nông dân các xã, thị trấn đến tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình.

Với việc trồng thành công khoai lang Nhật cho hiệu quả kinh tế khá cao của anh Thương đã góp phần làm đa dạng hóa các loại cây trồng trên địa bàn và mở thêm hướng đi mới trong sản xuất cho nông dân huyện Đức Linh.

Văn Thạnh