Quy hoạch điện VIII: Mong muốn đưa vào các dự án mang tính đột phá và tạo động lực phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 05:34, 27/04/2022
Theo đó, giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các địa phương tại hội nghị để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục thẩm định và trình duyệt. Trong đó lưu ý cần làm rõ các tiêu chí xác định dự án quan trọng, ưu tiên từng thời kỳ để bố trí không gian phát triển các vùng, miền, địa phương, bảo đảm minh bạch, hiệu quả. Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia cụ thể của một số địa phương đối với những tồn tại, vướng mắc, bất hợp lý về đầu tư phát triển điện lực thời gian qua để chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan, bảo đảm phát triển ngành điện bền vững, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả…
Liên quan vấn đề này, mới đây Sở Công Thương đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh gởi văn bản đến cấp thẩm quyền về việc đề nghị xem xét đưa các dự án nguồn điện tại Bình Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Bởi với vị trí địa lý và hạ tầng đường dây truyền tải, Bình Thuận rất thuận lợi để phát triển các dự án điện và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, điện khí LNG để cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam. Do vậy kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét đưa một số dự án điện trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch điện lực quốc gia nhằm tạo tính đột phá. Qua đó tạo động lực phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng khí và kinh tế - xã hội của địa phương cũng như phát huy hiệu quả hệ thống truyền tải 500 kV từ Hàm Thuận Nam - Bình Thuận về Long Thành (Đồng Nai) và Bình Dương.
Về đề xuất đưa các dự án nguồn điện tại tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch điện VIII, địa phương tiếp tục kiến nghị danh sách 8 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất đề xuất 22.200 MW. Cụ thể gồm các dự án điện gió ngoài khơi: Thăng Long Wind (quy mô dự kiến 3.400 MW), AMI AC tỉnh Bình Thuận (1.800 MW), La Gàn (3.500 MW), Bình Thuận (5.000 MW), Hàm Thuận Nam (900 MW), Biển Cổ Thạch (2.000 MW), Vĩnh Phong (1.000 MW) và Tuy Phong (4.600 MW).
Nhiều dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận được kiến nghị đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn mới (Ảnh minh họa).
Đây là những dự án mà UBND tỉnh từng có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, đề nghị xem xét về chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đưa vào danh mục các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn mới… Cùng với đó còn kiến nghị đưa vào quy hoạch dự án điện khí LNG mũi Kê Gà (công suất 3.200 MW), được biết đến nay nhóm nhà đầu tư đã thực hiện khảo sát vị trí, địa chất, địa hình và đánh giá tiền khả thi của dự án, nộp hồ sơ đề xuất bổ sung quy hoạch đến Bộ Công Thương. Thêm nữa là dự án được đưa vào vận hành sẽ đồng bộ với dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, phát huy hiệu quả khi cùng sử dụng chung hạ tầng điện lực.
Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sắp tới, địa phương cũng mong muốn có tên Dự án thủy điện tích năng tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình (công suất đề xuất 600 MW). Vì với ưu điểm của thủy điện tích năng, dự án không những làm tăng tính hiệu quả của hệ thống điện khi tận dụng được điện năng dư thừa từ các nhà máy nhiệt điện (điện than, điện khí...) vào giờ thấp điểm, mà còn có thể hỗ trợ đáp ứng nguồn cung khi nhu cầu điện tăng đột ngột, giúp đảm bảo an toàn cung cấp điện… Ngoài ra Bình Thuận còn đề nghị cấp thẩm quyền tiếp tục cập nhật các dự án điện gió trên đất liền (14 dự án với tổng công suất đăng ký 378 MW) đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch và bổ sung thêm 3 dự án điện gió khác (công suất 142 MW). Tiếp đó cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét ưu tiên, lựa chọn đưa một số dự án điện mặt trời hiện có trên địa bàn Bình Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia…
Việc xem xét đưa các dự án điện tại Bình Thuận vào Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn tới đây sẽ góp phần tạo tính đột phá và động lực phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng khí lẫn kinh tế - xã hội của địa phương.