"Cầu nối” giúp nông dân phát triển kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 05:48, 27/04/2022

Phát huy vai trò làm “cầu nối”, các cấp hội đoàn thể huyện Tuy Phong đã phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo. Từ đó, hỗ trợ các hộ nghèo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thi đua làm kinh tế giỏi ở xã khó khăn

Gia đình ông Trà Văn Khanh ở thôn Nha Mé, xã Phong Phú trồng táo diện tích 4 sào cho gia đình thu nhập ổn định ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 tác động làm đầu ra nông sản gặp khó khăn. Mặc dù thị trường tiêu thụ cây táo hiện vẫn còn phụ thuộc vào thương lái, nhưng táo Tuy Phong được nhiều tỉnh, thành các vùng miền ưa chuộng bởi độ giòn, ngọt thanh rất đặc trưng vùng nắng gió. Với giá bán tại vườn từ 15.000 – 25.000 đồng tùy loại, ông Khanh và nhiều hộ trồng táo ở xã có lãi khá hơn so với một số cây trồng khác. Trước đây, hầu hết nhà vườn táo để tự nhiên, năng suất, chất lượng trái bị giảm do côn trùng dịch hại phá hoại. Để tăng năng suất cây táo, bà con học hỏi kỹ thuật nhà màng rồi mạnh dạn vay vốn mua lưới, làm giàn. “Cách đây 2 năm, nhờ Hội Nông dân xã hướng dẫn tôi đăng ký vay vốn của NHCSXH làm nhà màng cho vườn táo. Lưới đặt mua từ Ninh Thuận, chi phí làm giàn, lưới cho vườn táo 6 sào mất khoảng 100 triệu đồng dùng được 6 năm. Sau khi trùm màng hiệu quả cây táo mang lại rất rõ trái to, chắc đẹp không bị hư hại giá bán cao”. Trường hợp khác, hộ ông Võ Văn Tùng ở thôn La Bá vay vốn trồng 5 sào bưởi từ năm 2017, đến nay vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch 2 năm nay, kinh tế ổn định.

Vườn táo nhà ông Khanh.

Phong Phú là xã khó khăn với 3 thành phần dân tộc sinh sống là Kinh, Chăm và Raglay, dân cư sống phân tán nhiều khu vực. Toàn xã có 6 thôn với 2.002 hộ/7.399 khẩu sinh sống. Hiện toàn xã ngoài diện tích lúa, thanh long có khoảng 16 ha táo được áp dụng kỹ thuật trùm màng lưới cho hiệu quả, phát triển được 25 ha cây ăn trái như quýt, bưởi, dừa bắt đầu cho thu hoạch, cây phát triển tốt, phù hợp thổ nhưỡng… Ông Võ Ngọc Tân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú cho biết: Từ nguồn vốn vay ủy thác đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng bước vươn lên. Số hộ kinh tế khá ngày càng tăng đã góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trung bình mỗi năm xã Phong Phú có 700 hộ nông dân đăng ký sản xuất – kinh doanh giỏi, qua bình xét bình quân hàng năm có 350 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp.

Nông dân Phong Phú vượt khó thi đua sản xuất giỏi.

Phát huy hiệu quả sử dụng vốn

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Công Đạm - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong cho biết: Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng một cách tối đa, thời gian qua, đơn vị có nhiều cách làm thiết thực đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Với việc tăng thêm các chương trình tín dụng và đối tượng thụ hưởng đã giúp các hộ vay linh hoạt trong sử dụng nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất trên nhiều lĩnh vực. Trong quý I/2022. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong đã giải quyết cho 1.407 lượt hộ vay vốn số tiền trên 56,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt 409,2 tỷ đồng giải quyết cho 17.076 hộ vay, hiện còn 9.123 hộ dư nợ. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 290 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ ủy thác đạt 387,9 tỷ đồng cho 13.515 hộ vay, chiếm 94,8% tổng dư nợ của NHCSXH huyện. Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHC SXH huyện Tuy Phong phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng cung cấp; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ quá hạn, hiện số dư nợ quá hạn hơn 2 tỷ đồng/186 hộ (0,51%).

T.Duyên