Đọc truyện Hồ Việt Khuê: Sự cân phân cho mạch chảy tình yêu

Văn học nghệ thuật - Ngày đăng : 07:40, 29/04/2022

Cầm trên tay tập truyện mới in, thật sự tôi có cảm giác ấm áp từ những trang giấy còn tươi màu mực và đầy đặn hơn những tác phẩm thơ, truyện mà Hồ Việt Khuê đã xuất bản trước đây.
ban-tay-am-va-thom.jpg

Tập truyện “Bàn tay ấm và thơm…” vừa do nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 3/2022, là tập truyện thứ 7 của Hồ Việt Khuê. Cũng lạ những dòng thơ mượt mà đến với anh sớm nhất và khá nhiều bài đăng trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn trước 1975. Thế mà mãi đến sau này chỉ có mỗi tập thơ Cỏ (Nxb Hội nhà văn - 2016). Tôi từng đọc ở Hồ Việt Khuê qua những phóng sự về những khám phá các vụ tiêu cực xã hội, tham nhũng, phá hoại tài nguyên khi anh là phóng viên thường trú của báo Tiền Phong tại Bình Thuận. Đọc tập truyện mới này tôi chợt nghĩ và liên hệ đến cái chất văn trong anh dù là bài báo có những vấn đề nóng, dư luận bức xúc nhưng với ngôn ngữ viết của anh có một cách riêng, bóc trần, tinh tế nhưng đầy sức thuyết phục. Với thơ, bất ngờ tìm thấy trong số tạp chí cũ tôi còn giữ từ năm 1972, anh viết như thế này: “Hôm nay dường có nhiều mây/ Ngủ đầy trên bước chân ngày lãng quên/ Thì thầm tôi gọi buồn tênh/ Thì thầm tôi gọi một tên để buồn” (trích Vẫy chào Đồi Dương - ký Hồ Tà Dôn trên tạp chí Đất Mới - Bình Tuy). Cái thời chữ nghĩa văn chương chưa mấy đa dạng và tác giả khi mới tuổi 20, cách đây 50 năm mà gieo được những cảm xúc lãng mạn như thế. Phải chăng cái “tạng” chữ nghĩa ẩn sâu trong tâm thức của anh từ thơ, báo chí và đến mảng văn xuôi đã định hình một phong cách văn học riêng dù theo từng chủ đề tác phẩm nhưng khó nhầm lẫn.

Cho nên với tập truyện “Bàn tay ấm và thơm…” từ cái tựa cho đến xuyên suốt 22 truyện đã cho tôi sự cảm nhận tính cách trầm tĩnh, thanh thoát trong văn anh, mang đến người đọc rất nhiều điều thú vị. Ví như truyện ở đầu tập cũng là tựa sách. Với bối cảnh sương mù của một Đà Lạt, đôi tình nhân đang tuổi chớm yêu, mà hiếm nhắc đến chữ yêu. Người xứ biển Phan Thiết, người Đà Lạt mộng mơ… xa cách, nhớ nhung, hẹn hò rồi đến khi được tin người con gái có chồng nên anh chàng không còn lý do gì để lẽo đẽo nhớ thương Đà Lạt. Giờ chắc cả hai mới nhận ra thế nào là “duyên số, duyên nợ”… vì ai cũng có gia đình riêng. Ba mươi năm sau tình cờ lại gặp nhau ở Đà Lạt, nhắc nhớ kỷ niệm đẹp, lần ăn trứng vịt lộn “khoái khẩu” mà nên duyên. Tác giả mô tả cái bàn tay mềm mại đặt lên quả trứng, lột tép tỏi, lá rau răm, trái ớt hiểm… hiếm thấy với dân nhậu, nhưng thương sao cái bàn tay đó lại “ấm áp và thơm” giữa không gian lãng đãng sương mù trên mặt hồ Xuân Hương. Và kết thúc “Rồi Trinh ghì đầu, hôn tới tấp lên mặt chàng “khùng” của mình”-nàng gọi yêu như thế. Truyện “Con mèo ốm phố núi” cũng một tình yêu say đắm để rồi “bỗng dưng nàng biến mất”… Mỏi công tìm kiếm người xưa “Em Pleiku má đỏ môi hồng” (thơ VHĐ). Kết cuộc nàng đã đi lấy chồng không một lời từ biệt. Hồ Việt Khuê thật y rằng Văn là Người, viết như kể chuyện. Cũng tùy hoàn cảnh, anh có khi dí dỏm, ngây ngô nhưng có trang bằng sự tỉ mỉ, e ấp tạo nên sức rung động, bàng hoàng. Trong tập này có nhiều truyện tưởng chừng là lát cắt từ trong kỷ niệm và cuộc sống quen thuộc nơi quê nhà xứ biển của anh. Nhớ lại những tập truyện anh viết trước đây cho tuổi mới lớn, cho thiếu nhi mà nhà xuất bản Kim Đồng bao trọn gói. Những nhân vật trẻ thơ khá xốc nổi, tinh nghịch nhưng vẫn có hành vi của “tư chất” nhân hậu, hiếu thảo, hồn nhiên…Rõ nhất ở “Đêm Ngọt” (Nxb Kim Đồng 2003), “Biển ngọt ngào” (Nxb. Kim Đồng 2011)… Cách đây 3 năm, Hồ Việt Khuê xuất bản tập truyện “Những ngày trở gió” (Nxb Hội Nhà văn 2018) đã tạo được dấu ấn và phong cách văn học riêng của anh.

Tác phẩm “Bàn tay ấm và thơm” với tôi thấy được cách biểu hiện nền nã, bình dị nhưng cũng nhiều ẩn dụ từ những hình ảnh thực trong đời sống vừa phức tạp vừa quá quen thuộc với mọi người. Truyện của anh với chất văn hài hòa, phù hợp không phải cầu kỳ, kịch tính, lê thê nhưng vẫn tạo nên sự lôi cuốn với người đọc và có cá tính trong nghệ thuật. Hình thức cũng là chủ đề tập truyện nhưng không vì thế mà gộp lại cho đầy trang, Hồ Việt Khuê đã có sự cân phân cho mạch chảy của tình yêu, tình đời để mà thương nhớ… Trong đó, một số truyện đã “chạm” đến những bức bối từ hiện thực cuộc sống xã hội và với Hồ Việt Khuê thì không mấy đâu xa, như Chia tay Đồi Dương, Xị nước mắm lú, Tình yêu thiếu phụ… Nhưng tôi đọc và không khỏi bàng hoàng với “Hoa của Đất”, ở nhân vật như chứng nhân một thời, đã gom lại nỗi nhớ đắng lòng về mái nhà xưa bên rìa thành phố biển, có động cát trắng phau và ám ảnh mãi từ một câu nói “… muốn ăn thịt bò hay ăn rau muống?”. Để rồi lớp con cháu sau này dù có đổi đời may rủi ra sao “nó không hề biết nước trong đầm giữa làng ngọt và trong như thế nào vì được chắt lọc bởi tầng tầng cát trắng”, thật xót xa.

Trong văn của Hồ Việt Khuê tưởng chừng như chỉ có những cuộc tình tan vỡ nhẹ nhàng. Ở đó đã có chất thơ lại thêm biểu đạt cho cảm xúc, tạo nên nét đẹp tình cảm của nhân vật trong truyện. Cho nên tập truyện này, người đọc dễ nhận ra nhiều điều chưa phải là bế tắc và càng ghi dấu ấn về trí tưởng sáng tạo của nhà văn Hồ Việt Khuê.

PHAN CHÍNH