Phú Long: Những gam màu sáng

Xã hội - Ngày đăng : 21:05, 30/04/2022

Cuối năm 2021, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là đô thị loại V. Đây là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn, góp phần vào thành tích chung của huyện Hàm Thuận Bắc qua 47 năm nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển.

47 năm trước, Phú Long là vùng đất thuộc 2 xã Thuận Nhơn và Thuận An, là cửa ngõ chắn giữ, bảo vệ vững chắc cho Phan Thiết mà quân Mỹ, Ngụy đã dày công dây dựng các công sự kiên cố. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sáu - nguyên Trung đội phó thông tin Tiểu đoàn 15 nhớ lại: Từ ngày 12 - 18/4/1975, quân ta đánh chiếm Phú Long và quyết giữ vững cầu Phú Long, tạo điều kiện cho quân chủ lực đánh chiếm và giải phóng Phan Thiết, trận chiến đấu giữa quân ta và địch đã diễn ra quyết liệt trên chiến trường này.

phulong-3-.png

Ông Lê Hồng Hạnh - nguyên chiến sĩ du kích Đội công tác Hàm Nhơn, là người trực tiếp tham gia tiếp quản, ổn định chính quyền nơi đây trong những ngày đầu giải phóng nói: Ngày 18/4/1975, 2 xã Thuận Nhơn và Thuận An chính thức được hoàn toàn giải phóng. Cơ sở hạ tầng nơi này lúc bấy giờ hoàn toàn tan hoang; đâu đâu cũng chỉ còn trơ lại những hố bom.

Tháng 10/1975, xã Hàm Nhơn nay là thị trấn Phú Long, chính thức thành lập, sáp nhập từ 2 xã Thuận Nhơn và Thuận An. Năm 2003, xã Hàm Nhơn được Chính phủ điều chỉnh lên thị trấn, mang tên Phú Long. Toàn thị trấn có 8 khu phố với diện tích tự nhiên hơn 25 km², dân số 16.494 người. Trong những năm gần đây, kinh tế của Phú Long đã có những bước tăng trưởng khá rõ nét. Trong đó, cơ cấu kinh tế ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 43,83%, công nghiệp - xây dựng chiếm 22,01% và thương mại - dịch vụ chiếm 34,16%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ - công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, với 32 doanh nghiệp và 734 hộ cá thể đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn thị trấn Phú Long, tăng qua các năm, giai đoạn 2017 - 2019 trung bình đạt khoảng 8,25 tỷ đồng; năm 2020 - 2021 tổng thu tăng lên khoảng 11,8 tỷ đồng. Là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện Hàm Thuận Bắc (năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của thị trấn Phú Long là 49,5 triệu đồng/ người/năm). Năm 2019, kết quả thống kê khu vực tập trung dân cư nhà ở kiên cố và bán kiên cố chiếm trên 99%, mật độ xây dựng khoảng 80 - 90%; các khu vực còn lại mật độ xây dựng khoảng 50 -70%.

Trên lĩnh vực văn hóa xã hội cũng đạt nhiều kết quả. Phòng khám đa khoa khu vực được xây dựng mới khang trang với 30 giường, với 37 cán bộ, y, bác sĩ phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đạt 100%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 7,53%. Thị trấn duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế từ năm 2005 đến nay. Công tác giáo dục - đào tạo được chú trọng, cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư, xây dựng; chất lượng dạy và học được nâng lên. Thị trấn được công nhận và giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và Trường THCS Phú Long được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

Qua 47 năm xây dựng và phát triển, công tác xây dựng Đảng của thị trấn Phú Long cũng đạt nhiều kết quả. Từ một Chi bộ xã Hàm Nhơn ban đầu với 20 đảng viên, ở nhiệm kỳ (1976 - 1978); đến năm 2022, Đảng bộ thị trấn Phú Long đã có 272 đảng viên, sinh hoạt ở 17 chi bộ trực thuộc. Số lượng đảng viên tăng, tổ chức cơ sở Đảng lớn mạnh được xem là nhân tố quyết định thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương để Phú Long luôn xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” mà Chủ tịch nước đã trao tặng vào năm 2012.

Nguyễn Thường