Bình Thuận có triển vọng phát triển nuôi trồng thủy sản
Kinh tế - Ngày đăng : 05:49, 04/05/2022
Đối tượng nuôi đa dạng
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do nguồn hải sản ven bờ cạn kiệt, những năm gần đây, Bình Thuận đã cố gắng đầu tư thực hiện chương trình đánh bắt hải sản xa bờ song song với phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh theo quy mô trang trại và hộ gia đình, đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chuyển dần theo hướng công nghiệp, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú: tôm giống, tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt, cá mú, cá chim, tôm hùm, cá bớp... Năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 12.680 tấn, đạt 88,1% kế hoạch năm (14.400 tấn), tăng 5,2% so với cùng kỳ 2020; trong đó sản lượng nước lợ (tôm) là 7.175 tấn, nước ngọt là 5.044 tấn, nước mặn là 462 tấn.
Nhắc đến tôm nước lợ chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, Bình Thuận có diện tích nuôi tôm thương phẩm khá lớn đạt 898 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 7.175 tấn, tăng 49 tấn so cùng kỳ 2020, năng suất tôm nuôi bình quân đạt 8 tấn/ha. Thị trường tiêu thụ tôm nước lợ trong tỉnh chủ yếu bán cho các thương lái thu mua ở các tỉnh lân cận như: Ninh Thuận, Vũng Tàu và các công ty chế biến thủy sản tại Cảng cá Phan Thiết như: Chi nhánh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản ZhongYu, Công ty TNHH Hải Thuận... Trong năm 2021 tình hình nuôi tôm nước lợ trong tỉnh không được thuận lợi do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên giá tôm thương phẩm giảm thấp và có thời điểm không có người thu mua, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 67 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích mặt nước nuôi 120 ha đã chuyển đổi sang công nghệ nuôi mới 2 hoặc 3, 4 giai đoạn, kết hợp ao tròn hoặc ao hình chữ nhật diện tích từ 1.000 - 1.200 m2. Với công nghệ nuôi mới này đã kiểm soát tốt hơn môi trường nuôi và dịch bệnh trong giai đoạn đầu, mật độ thả nuôi cao (giai đoạn 1 khoảng 1.500 - 2.000 con/m2) nên năng suất nuôi tăng cao từ 25 - 30 tấn/ha/vụ, bình quân mỗi năm nuôi được 3 vụ. Bên cạnh đó, nghề sản xuất tôm giống cũng đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư quy mô lớn, số lượng cơ sở sản xuất nhỏ giảm nhanh.
Ngoài ra, nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi lồng bè ven bờ, ven đảo, nuôi ao đất hồ chắn ven bờ biển trong toàn tỉnh cũng khá đa dạng và ổn định. Tuy nhiên, như những ngành nghề khác, trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình nuôi trồng thủy sản trong tỉnh gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, nên tôm, cá nuôi bán chậm, giá thấp, ít có thương lái thu mua. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, vào một số thời điểm điều kiện môi trường nuôi không thuận lợi như: thời tiết nắng, nóng nên rong, tảo phát triển mạnh làm cá thiếu oxy tại Phú Quý hay những ngày có gió lớn, biển động đã xảy ra tình trạng cá chết tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Tỷ lệ cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng đạt thấp
Năm 2022, dự báo tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao làm tăng giá thành sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế của người nuôi. Ngoài ra, thị trường đầu ra sản phẩm vẫn chưa phục hồi, không ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình dịch Covid - 19 của cả nước và thế giới. Do đó, Bình Thuận cần có những giải pháp dài hơi để người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng để từng bước khẳng định là tỉnh có triển vọng về nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, theo quy định kể từ ngày 25/4/2019 đến 25/4/2020 các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (nuôi tôm) phải đăng ký để cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng. Tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được trên toàn tỉnh còn khá thấp. Toàn tỉnh hiện có 96 hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè ven bờ, ven đảo, nhưng đến nay, Chi cục Thủy sản chỉ mới tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng cho 30 hộ nuôi lồng bè tại huyện Phú Quý (chiếm 31,3% về số hộ nuôi). Các hộ nuôi của các huyện còn lại chưa gửi hồ sơ đăng ký do chưa có quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản của huyện. Hay đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng, đến thời điểm này, Chi cục Thủy sản mới tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng cho 13 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng/tổng số 228,49 ha (chiếm tỷ lệ 27,5% về diện tích nuôi); trong khi toàn tỉnh hiện có 479 cơ sở nuôi/832 ha nuôi tôm thương phẩm.
Theo Chi cục Thủy sản, tỷ lệ đăng ký đạt thấp là do trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ nuôi trồng thủy sản không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng mục đích sử dụng đất không phải đất nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng để vay vốn đầu tư, vì vậy các hộ nuôi bị thiếu hồ sơ để đăng ký nuôi trồng theo quy định. Do đó, thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các điều kiện nuôi trồng thủy sản, đăng ký để cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng và các quy định khác tại Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Thông qua việc cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản, nhằm hỗ trợ cho các đối tượng nuôi chấp hành theo đúng quy định Luật Thủy sản ban hành. Nếu hộ nuôi không có giấy cấp xác nhận của Chi cục Thủy sản sẽ bị xử phạt theo Điều 17 của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, với mức phạt 10 - 65 triệu đồng, tùy các hành vi vi phạm…
Kế hoạch trong năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 2.705 ha, trong đó nuôi nước lợ (tôm) là 890 ha, nuôi nước ngọt 1.800 ha, nước mặn là 15 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 14.400 tấn, tăng 13,6% so với kết quả thực hiện 2021, trong đó nuôi nước lợ là 9.000 tấn, nuôi nước ngọt là 5.000 tấn và nuôi nước mặn là 400 tấn.