Ứng phó diễn biến thời tiết trái quy luật những tháng tới
Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 04/05/2022
Cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan
Theo đó, trong năm 2022 khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Sự dị thường của thời tiết đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa từ ngày 30/3 đến ngày 2/4 vừa qua. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng một nửa thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021). Riêng tại Bình Thuận, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, các địa phương cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2022. Cụ thể, sóng lớn, gió mạnh trên biển chủ yếu xảy ra vào thời kỳ từ tháng 6/2022 khi gió mùa tây nam bắt đầu hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh, ngoài khơi vùng biển Bình Thuận (bao gồm huyện đảo Phú Quý) gió tây nam mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 8. Biển động mạnh.
Đặc biệt theo nhận định, mùa mưa năm 2022 khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, tình hình hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt sẽ diễn ra một số nơi trong tỉnh, nhưng mức độ không nghiêm trọng như những năm trước đây. Sang tháng 5/2022 là thời điểm giao mùa nên hiện tượng dông sét xuất hiện nhiều hơn rải rác trên khắp các khu vực trong tỉnh, đặc biệt là khu vực vùng núi phía tây và tây nam tỉnh. Cảnh báo trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2022 là thời điểm gió mùa tây nam mạnh, kết hợp triều cường sẽ gây sóng lớn trên biển, sạt lở bờ biển tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, La Gi, Hàm Tân và Phú Quý.
Chủ động ứng phó, phòng ngừa nhanh
Do đó, để chủ động phòng tránh, ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị các ngành, các cấp cần tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Phân công, phân cấp xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài tỉnh để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Kiện toàn và củng cố tổ chức Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Rà soát, cập nhật để bổ sung xây dựng phương án, kế hoạch nhiệm vụ năm 2022 thật cụ thể, sát với thực tế, loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai đã xảy ra và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng khu vực nhằm chủ động ứng phó, phòng ngừa nhanh có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản bảo đảm an toàn trước, trong và sau thiên tai.
Riêng các địa phương ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chi cục Thủy sản rà soát, kiểm tra, đăng ký, đăng kiểm và quản lý tốt các tàu thuyền đi hoạt động, đánh bắt trên biển. Kiểm tra, xử phạt thật nghiêm các trường hợp tàu thuyền ra biển không đủ trang thiết bị như phao cứu sinh, máy bộ đàm, đăng kiểm, hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá theo quy định. Nắm chắc thông tin liên lạc, số lao động trên tàu, khu vực hoạt động để kiểm đếm, quản lý hiệu quả, phục vụ tốt công tác chỉ huy, ứng cứu, kêu gọi vào bờ khi có thiên tai, sự cố trên biển. Kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch sắp xếp neo đậu, kéo tàu thuyền lên bờ và di dời tàu thuyền khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.