Phát triển các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt

Kinh tế - Ngày đăng : 05:19, 05/05/2022

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình khuyến ngư nước mặn, lợ, ngọt tại các vùng nuôi trọng điểm trong tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến sản xuất bền vững.

Đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, các chương trình khuyến ngư thủy sản nước ngọt trong tỉnh được chú trọng. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng và chuyển giao 9 mô hình nổi bật. Trong đó gồm mô hình nuôi cá thát lát an toàn sinh học theo liên kết chuỗi, mô hình nuôi cá lóc thương phẩm, mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất, nuôi cá lăng, nuôi cá chình và cá chạch lấu thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi, nuôi ốc bươu đen thương phẩm. Thông qua các mô hình trình diễn đã góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức kỹ thuật cho nông dân. Mặt khác, đa dạng hóa các đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng nuôi. Xây dựng được một số mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân phát triển kinh tế.

img_1986.jpeg
Nuôi lươn không bùn tại Hàm Thuận Nam.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, ngoài thủy sản nước ngọt, chương trình khuyến ngư nuôi thủy sản nước mặn, lợ cũng được chú trọng. Từ năm 2016 đến nay có 5 mô hình điển hình đã được xây dựng và nhân rộng. Đơn cử như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP, mô hình nuôi cá bớp lồng bè; nuôi cá chim vây vàng trong ao đất trải bạt; nuôi cua thương phẩm trong ao đất…

Ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá, các mô hình nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua góp phần đa dạng hóa được đối tượng thủy sản nuôi. Mặt khác, bổ sung thêm nhóm nuôi có giá trị kinh tế cao, theo phân khúc thị trường. Ông Tám nhấn mạnh, nếu như trước năm 2016, các đối tượng nuôi chủ yếu tập trung vào một số loại thủy sản nước ngọt truyền thống thông thường như rô phi, diêu hồng, chép, bống tượng, thì từ năm 2016, nhiều cơ cấu giống đã được bổ sung và xây dựng mô hình nuôi trình diễn.

Tăng năng suất, sản lượng

Từ thực tế kết quả các mô hình được triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, việc nâng cao tỷ lệ sống của vật nuôi từ 30-50% (truyền thống) lên 70-90% tùy mô hình. Qua đó, đã cải thiện năng suất nuôi rõ rệt, trọng lượng vật nuôi được đảm bảo kích cỡ thương phẩm. Điển hình, tỷ lệ sống của các mô hình cá nước ngọt đạt mức trung bình trên 75%, lợi nhuận bình quân trên 1.000 m2 mặt nước đạt từ 20 – 70 triệu đồng tùy thời điểm và đối tượng nuôi. Riêng hình thức nuôi trong lồng bè, năng suất được nâng lên từ 22,7 kg/m3 – 26,5 kg/m3 (trước đây là 12 – 15 kg/m3), lợi nhuận trung bình đạt gần 100 triệu đồng/150 m3 lồng bè. Đối với mô hình nuôi lươn không bùn, tỷ lệ sống được cải thiện tới hơn 70%, trọng lượng trung bình 280g/con, năng suất 11,7 kg/m2. Mô hình giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, phù hợp cho nhu cầu tiêu thụ lươn sạch, vừa không chiếm nhiều diện tích, vừa tận dụng được lợi thế sẵn có tại địa phương, đặc biệt là nguồn nước và nguồn thức ăn cho lươn…Ngoài tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, các mô hình nuôi trồng thủy sản còn góp phần thay đổi một phần diện tích ao đìa hoang hóa và cải thiện công lao động nhàn rỗi.

Đối với phát triển thủy sản nước ngọt, có thể thấy điển hình ở hiệu quả mô hình nuôi lươn không bùn và nuôi cá trong ao đất lót bạt quy mô hộ gia đình. Đây là những mô hình không yêu cầu nhiều về diện tích nuôi, trên cơ sở nắm chắc quy trình công nghệ có thể hướng dẫn người dân cải tạo, đầu tư hợp lý để nuôi theo quy mô nông hộ. Theo kế hoạch trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh nói chung và Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng đến việc chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, mô hình nuôi biển công nghiệp xa bờ gắn với chế biến... Cùng với đó, thay đổi công nghệ nuôi, ưu tiên sử dụng lồng HDPE có độ bền cao, chịu đựng được sóng gió để từng bước hình thành vùng nuôi trên biển theo mô hình công nghiệp...

Kiều Hằng