Xây dựng “Thư viện thân thiện trường tiểu học”

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:51, 05/05/2022

Xác định thư viện trong trường học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục văn hóa, tri thức, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng thư viện và phát huy hiệu quả, thu hút học sinh tìm đến sách, báo.
14c33554-5cc7-4326-b9aa-11d521f56f0b.jpeg
Hưởng ứng phong trào đọc sách trong trường tiểu học

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 242 cơ sở giáo dục tiểu học, trong đó có 241 trường công lập và 1 trường tư thục. Ngoài ra, có 19 trường liên cấp (TH&THCS, TH-THCS-THPT) có lớp tiểu học. Hiện phòng thư viện có 290 phòng, trong đó 234 kiên cố, 55 bán kiên cố và 1 phòng tạm. Nhân viên thư viện có 219/242 nhân viên chuyên trách, đạt tỷ lệ 90,5% và 23/242 nhân viên kiêm nhiệm, tỷ lệ 9,5%. Nhận thức được tầm quan trọng của thư viện trường học, trong những năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo các trường phấn đấu xây dựng thư viện trường học đạt chuẩn theo quyết định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng phòng thư viện, phòng đọc đạt chuẩn, tăng các số lượng đầu sách tham khảo đạt yêu cầu, phát triển số lượng bạn đọc đến thư viện nhà trường. Đồng thời, tăng cường các hoạt động nội khóa, ngoại khóa thư viện phục vụ nâng cao hiệu quả dạy và học… Chú trọng công tác xây dựng thư viện có phòng đọc riêng cho học sinh, phòng đọc riêng cho giáo viên, có kho chứa sách theo quy định. Theo đó, các đơn vị đã đầu tư thêm kệ, tủ để trưng bày, giới thiệu sách, tăng cường nguồn sách tham khảo phục vụ cho giáo viên và học sinh theo tiêu chuẩn 2 bản/học sinh đối với trường tiểu học. Cuối năm học, các trường vận động tốt việc học sinh quyên góp sách cũ tặng trường, tặng bạn nghèo, nhằm phát triển số lượng tủ sách dùng chung của các trường.

Với những giải pháp trên, chất lượng hoạt động của thư viện trong trường tiểu học ngày càng được nâng cao. Thư viện đã phát huy được hiệu quả, thực sự là nơi học tập, trau dồi tri thức của học sinh. Hiện tại, đa số các trường học trong tỉnh đều có những cách làm hay, độc đáo nhằm phát huy tối đa vốn sách trong thư viện trường bằng việc xây dựng các “thư viện xanh”, “thư viện di động”, “thư viện thân thiện”, “góc thư viện trong lớp học”… để học sinh và giáo viên tiện tra cứu, góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu của giáo viên và học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong mỗi nhà trường. Việc huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng thư viện trong trường học phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt, chương trình “Tủ sách nhân ái” đã trao tặng 304 tủ sách cho các trường học của 7 huyện trong tỉnh góp phần đáp ứng nhu cầu đọc sách của học sinh và giáo viên.

Cùng với đó, các trường đã tăng cường các hoạt động thư viện phong phú nhằm phục vụ bạn đọc không nhàm chán như tổ chức các hoạt động ngoại khóa thi kể chuyện theo sách, xem băng hình theo các chủ điểm đặc biệt, giáo dục truyền thống đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, tìm hiểu về truyền thống lịch sử… Một số đơn vị kết hợp tốt với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức các phong trào thi đua học tốt trong học sinh, sân chơi cuối tuần, các trò chơi văn hóa dân gian, ngày hội sách và văn hóa đọc, khơi dậy phong trào đọc và học tập suốt đời của giáo viên và học sinh. Từ đó, thư viện trở thành nơi sinh hoạt, giải trí lành mạnh và bổ ích không thể thiếu đối với các em học sinh khi đến trường, là môi trường thân thiện giúp các em học tập, sáng tạo và phát triển tư duy.

Tuy nhiên, hiện nay diện tích thư viện của các trường chưa đúng quy cách, thư viện có thể tận dụng từ phòng học, xa so với lớp học nên không đủ thời gian đi và đọc. Do đó, học sinh có thể ngồi trong lớp giải lao hay ra sân chơi hơn là lên thư viện. Học sinh chưa có thói quen tự đọc sách báo, nhất là sách báo giấy. Mặt khác, tài liệu trong thư viện còn sơ sài, cũ, chưa đa dạng phong phú, chủ yếu có sách giáo khoa và sách tham khảo, ít những tài liệu giải trí nên không đáp ứng nhu cầu đọc của giáo viên, học sinh và nghiên cứu theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để phát huy hiệu quả thư viện trong trường tiểu học, tỉnh Bình Thuận được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Room to Read triển khai chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Tổ chức Room to Read sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho 10 trường, tương đương ứng với 10 thư viện đã đăng ký tham gia chương trình. Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” được chia làm 3 giai đoạn từ 2022 – 2024 và dự kiến sẽ khai trương và đi vào hoạt động trong tháng 9/2022. Mô hình này nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học, hướng đến mục tiêu giúp các em trở thành người đọc độc lập trong tương lai, là người có kỹ năng đọc và thói quen đọc. Tin tưởng rằng, mô hình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” đi vào hoạt động sẽ là nền tảng vững chắc ươm mầm, phát huy văn hóa đọc sách trong thư viện tại nhà trường, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh.

Thanh Thuỷ