Cơ điện tử ô tô: Ngành mới cho giới trẻ lựa chọn
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:55, 05/05/2022
Triển vọng ngành học?
Theo tìm hiểu để việc sản xuất một chiếc ô tô hoàn chỉnh cần phải trải qua nhiều quá trình từ chế tạo đến lắp ráp của hàng trăm ngàn chi tiết máy, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao. Đây là ngành nghề có tiềm năng với cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với khoa học kỹ thuật công nghệ mới trong ngành chế tạo ô tô nói riêng và cơ khí nói chung. Với sự hỗ trợ đắc lực của kỹ thuật tiên tiến, sự phát triển của công nghệ và máy móc hiện đại ngành cơ điện tử ô tô sẽ là xu hướng phát triển của xã hội. Cơ điện tử bắt đầu phát triển mạnh mẽ trên thế giới vào những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động làm cho lĩnh vực cơ điện tử, tự động hóa phát triển càng rộng lớn hơn nữa. Điều này đang làm thay đổi nhanh chóng cách thức con người giao tiếp, làm việc và kết nối với nhau. Xe tự lái, máy bay không người lái, công nghệ in 3D, robot cao cấp là các hướng nghiên cứu tương lai của cơ điện tử, robotics.
Theo thống kê của Hiệp hội Robot quốc tế (IFR), trên thế giới robot được sử dụng trong ngành chế tạo ô tô chiếm khoảng 33,2%. Với một thị trường đang nổi và một ngành công nghiệp ô tô đang được nước ta chú trọng phát triển trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, dư địa thị trường các sản phẩm cơ điện tử cho ngành chế tạo ô tô, xe máy là rất lớn. Việt Nam hiện đang có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có thế mạnh về nguồn lực tài chính, nhân lực cũng như công nghệ có thể dẫn dắt ngành kỹ thuật ô tô phát triển và hội nhập quốc tế như: Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast… Nắm bắt được xu hướng phát triển này, Trường Đại học Phan Thiết tiếp tục đẩy mạnh chương trình đào tạo bậc đại học, đào tạo kỹ sư chuyên ngành cơ điện tử ô tô. Bước tiến mới trong chiến lược đào tạo nhằm giải quyết nguồn nhân lực cho ngành công nghệ cao nói chung và cho ngành ô tô Việt Nam nói riêng.
Cơ hội nghề nghiệp?
Đại điện phía Trường Đại học Phan Thiết cho biết, chương trình đào tạo chuyên ngành cơ điện tử ô tô sẽ giúp sinh viên nghiên cứu chuyên sâu hơn về ứng dụng điện tử, tự động hóa trên ô tô. Các môn học tiêu biểu và đặc trưng của chuyên ngành cơ điện tử ô tô gồm: Cơ khí ô tô, điện tử ô tô, động cơ, khung gầm ô tô; điều khiển lập trình; điện tử công suất kỹ thuật số; hệ thống điện và điều khiển tự động trên ô tô; vi xử lý ứng dụng; vi xử lý ứng dụng nâng cao; robot công nghiệp… Trong quá trình học tập, trường tập trung phát triển cơ sở vật chất, hệ thống các phòng chuyên đề, thí nghiệm, xưởng thực hành với trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên. Ngoài ra, Khoa Kỹ thuật của trường thường xuyên liên kết, hợp tác cùng các công ty ô tô hàng đầu Việt Nam như Toyota VN, Mercedes-Benz VN, Ford VN, Isuzu VN, Honda VN… giúp sinh viên có môi trường học tập, tham quan, kiến tập, thực tập chuyên nghiệp và thực tiễn.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, có thể đảm nhận các vị trí: Công tác quản lý, điều hành và trực tiếp làm việc ở các vị trí công việc kỹ thuật, dịch vụ, kinh doanh, chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp máy móc, cơ khí, điện tử, ô tô, các doanh nghiệp dịch vụ mua bán và bảo dưỡng - sửa chữa ô tô; chế tạo máy móc tự động hóa, vận hành, bảo trì, sửa chữa thiết bị và hệ thống máy móc trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp; làm việc trong phòng kỹ thuật của các công ty, nhà máy, xí nghiệp, các viện nghiên cứu thuộc chuyên ngành cơ khí, điện tử và điều khiển tự động; chuyên viên kỹ thuật của các công ty, nhà máy, xí nghiệp, viện nghiên cứu chuyên ngành cơ khí ô tô, cơ khí động lực và cơ khí chế tạo máy; có thể trở thành giảng viên đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện kỹ năng nghề công nghệ động lực cho các trường học, doanh nghiệp…