Ấn Độ trở thành “cơ hội chiến lược” đối với phương Tây
Quốc tế - Ngày đăng : 16:55, 06/05/2022
Khi Thủ tướng Narendra Modi kết thúc chuyến thăm 3 bước châu Âu gồm Đức, Đan Mạch và Pháp, có một động lực và năng lượng mới trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với phương Tây.
Điều đáng chú ý trong sự thay đổi này là nó diễn ra ở thời điểm ít ai ngờ rằng nó sẽ diễn ra. Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì quan điểm trung lập về cuộc khủng hoảng Ukraine, dù phương Tây đang ngày càng gia tăng sức ép đối với Nga. New Delhi nhất quán chủ trương ngoại giao và đối thoại trong phạm vi các tiêu chuẩn do luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc quy định. Ấn Độ cũng không công khai lên án Nga mặc dù có thể thấy rõ sự thất vọng khi New Delhi ngày càng quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine trong bối cảnh xung đột vẫn đang diễn ra.
Các nước phương Tây đã đề nghị Ấn Độ làm nhiều hơn và truyền thông phương Tây cũng “thuyết giảng” New Delhi về trách nhiệm dân chủ. Tuy nhiên, chính các nước phương Tây dường như đã hiểu rõ hơn về những thách thức của Ấn Độ. Do đó, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay đã mở ra con đường để Ấn Độ và phương Tây xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau một cách thực chất hơn.
Lý do phương Tây thay đổi cách tiếp cận với Ấn Độ
Từ Washington và London tới Berlin và Paris, Ấn Độ đang được coi là một cơ hội chiến lược cần được nuôi dưỡng, chứ không phải một “kẻ phản đối vĩnh viễn”. Sự thay đổi đáng chú ý trong cách tiếp cận của phương Tây có thể do 3 yếu tố chính.
Trước tiên, đó là sự chuyển dịch cấu trúc trong cán cân quyền lực toàn cầu. Với trọng tâm kinh tế và chính trị toàn cầu hiện nằm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thách thức từ Trung Quốc đối với trật tự quốc tế không thể bị gạt sang một bên. Đối với phương Tây, quan hệ đối tác với Ấn Độ đã trở thành một nhu cầu thực sự cần thiết để ngăn chặn sự gián đoạn lan rộng trong hệ thống quốc tế.
Yếu tố thứ hai là sự đánh giá lại của Tây Âu về bản sắc riêng của họ với tư cách là một tác nhân toàn cầu. Từ lâu, mong muốn của người châu Âu là thoát khỏi lịch sử và thậm chí theo một số cách, vượt qua lịch sử. Liên minh châu Âu (EU), theo quan điểm của những người ủng hộ, là một nỗ lực nhằm tạo dựng lại các lực lượng của lịch sử.
Theo cách lập luận này, EU trước tiên sẽ định hình lại bối cảnh chiến lược của châu Âu và sau đó giúp vượt qua sự khốc liệt của địa chính trị trong trật tự toàn cầu, qua đó báo trước một giai đoạn mới trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, trong khi sức mạnh của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là nhằm kiềm chế Nga, hợp tác kinh tế là liều thuốc giải độc mạnh nhất cho sự nổi lên của Trung Quốc.
Với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, EU muốn có dấu ấn lớn hơn trong vùng địa lý hàng hải quan trọng này. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, ngay cả Đức cũng phải định hướng lại chính sách đối ngoại và tầm nhìn an ninh quốc gia sau Thế chiến II.
Việc tái định hướng chiến lược của Tây Âu cũng phù hợp với các ưu tiên của Ấn Độ. Sự hội tụ mới này đang dẫn đến sự gắn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết giữa Ấn Độ và phương Tây.
Yếu tố cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất trong sự thay đổi cách tiếp cận của phương Tây không phải là về phương Tây mà là về phản ứng của Ấn Độ đối với các ưu tiên chiến lược của nước này.
Một Ấn Độ tự tin và có tiếng nói trên toàn cầu ngày nay bắt nguồn từ thực tế trong nước cũng như sự kiên định trong việc theo đuổi các lợi ích sống còn của mình.
Như Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar đã nhận xét tại Đối thoại Raisina vào tuần trước, tốt hơn nên gắn kết với thế giới trên cơ sở “chúng ta là ai” hơn là cố gắng làm hài lòng thế giới. Nếu Ấn Độ tự tin về bản sắc và các ưu tiên của mình, thế giới sẽ tương tác với Ấn Độ theo các điều kiện của New Delhi.
Ấn Độ thực dụng và chủ động hơn trong việc bảo vệ lợi ích cốt lõi
Trong vài năm qua, New Delhi không còn e ngại với việc thách thức các đối thủ cũng như lôi kéo bằng hữu không cùng ý thức hệ trước đây. Điều này có thể thấy rõ trong việc Ấn Độ thách thức Sáng kiến Vành đai và Con đường kể từ năm 2014, đáp trả mạnh mẽ trước sự gây hấn của Trung Quốc, hay việc Ấn Độ tìm cách hợp tác với Mỹ mà không tham gia đầy đủ vào một liên minh.
Ấn Độ ngày nay đã trở nên thực dụng hơn và chủ động hơn trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi, sẵn sàng tìm cách biến sự cân bằng thành lợi thế của mình. New Delhi cũng muốn tạo ra một tiền lệ rõ ràng: nếu phương Tây muốn gắn kết, hợp tác với nước này, họ phải là những đối tác có thể mang lại những giải pháp dài hạn cho các thách thức của Ấn Độ. Phương Tây cũng phải chấp nhận những mong muốn của Ấn Độ và thực tế địa chính trị đang phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chính điều này đã khiến các nước phương Tây phải thay đổi cách tương tác với New Delhi. Do đó, một sự gắn kết thực chất giữa phương Tây với Ấn Độ là một hệ quả tự nhiên, cho dù có xảy ra khủng hoảng Ukraine hay không./.