Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp
Quốc tế - Ngày đăng : 08:57, 08/05/2022
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa công bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ nửa đêm hôm 6/5. Quyết định này nhằm cho phép cảnh sát và lực lượng an ninh có thẩm quyền lớn hơn đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Bộ phận truyền thông của ông Gotabaya cho biết, quyết định của Tổng thống nhằm đảm bảo an ninh trật tự công cộng và duy trì dịch vụ thiết yếu đảm bảo cho đất nước hoạt động thông suốt.
Quyết định đưa ra giữa bối cảnh liên tục nhiều tuần biểu tình yêu cầu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Giới sinh viên cảnh báo, họ sẽ bao vây Quốc hội, trong lúc các tổ chức công đoàn phát động cuộc đình công trên toàn quốc nhằm yêu cầu Tổng thống từ chức vì không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế gây khó khăn chưa từng có cho người dân.
Sri Lanka trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nhu yếu phẩm, giá cả tăng mạnh và mất điện trong bối cảnh suy thoái kinh tế sâu rộng.
Trước đó vào ngày 1/4, Tổng thống Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi cuộc biểu tình quy mô lớn trước tư dinh của ông. Tuy nhiên đêm 5/4, ông đã dỡ bỏ để ngăn chặn biểu tình.
Kể từ ngày 9/4, người biểu tình cắm trại hàng ngày gần văn phòng Tổng thống mang biểu ngữ “Gotabaya về nhà”, ám chỉ tổng thống từ chức và từ ngày 26/4 yêu cầu “Mynah về nhà” hoặc “Mahinda về nhà”. Mahinda là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa – anh trai của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
Sri Lanka đang trong cơn khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Do một phần thiếu ngoại tệ, có nghĩa là quốc gia này không đủ khả năng thanh toán cho việc nhập khẩu các mặt hàng lương thực chủ yếu và nhiên liệu dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng và giá cả tăng cao.
Để giải quyết tình trạng, giới chức Sri Lanka đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc thảo luận với đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một chương trình cho vay khẩn cấp.
Cuối tháng qua, IMF cho biết các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và bất cứ thỏa thuận nào đạt được cũng phải đảm bảo rằng nước này có thể đưa ra một lộ trình thanh toán nợ bền vững.