Khó khăn trong giải quyết đơn thư, khiếu nại ở Phan Hiệp
Bạn đọc - Ngày đăng : 05:34, 10/05/2022
Khó khăn
Phan Hiệp là một trong những xã thuần đồng bào Chăm, nằm sát trung tâm hành chính của huyện. Toàn xã có 1.260 hộ với khoảng 2.721 khẩu trong độ tuổi lao động, chủ yếu làm nông, gốm và buôn bán nhỏ lẻ. Sinh sống tập trung thành cụm ở xung quanh UBND xã, nhưng cũng có không ít hộ sinh sống và sản xuất ở khu vực Dốc Đá và Khu C Bình An giáp ranh xã Sông Bình, Phan Lâm, cách trung tâm xã hàng chục km. Đất ở và canh tác ở 2 khu vực này phần lớn thuộc diện cấp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy. “Tổng số hộ được cấp đất sinh sống và sản xuất ở khu vực Dốc Đá là 77 hộ với khoảng 115,5 ha; Khu C Bình An 74 hộ với 74 ha”, Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp - Hắc Văn Quang Huy cho biết.
Trong đó có những hộ có đất sản xuất ở các khu vực này, nhưng lại có nhà ở gần UBND xã. Như một cảnh 2 quê bất tiện, nên có người đi làm việc ở đây vài ngày mới về nhà 1 lần. Những năm gần đây đất đai có giá khi Hồ chứa nước Sông Lũy hoàn thành đi vào hoạt động, rồi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam chạy ngang qua, nảy sinh những mâu thuẫn. Đơn thư gửi về UBND xã nhiều hơn không chỉ liên quan đến đất đai mà còn ly hôn và những vấn đề khác khiến cán bộ làm công tác xử lý đơn thư cũng mệt nhọc. “Giải quyết đơn thư khiếu kiện cho người dân sống và sản xuất ở Dốc Đá và Khu C Bình An rất khó khăn. Hẹn ngày hoặc gửi giấy mời ra xã, tòa án giải quyết họ không có mặt, gọi điện thì không bắt máy. Nhiều trường hợp đến tận nhà, nhưng nhà đóng cửa không có người vì họ đi làm ở Dốc Đá hoặc Khu C Bình An ở lại cả tuần mới về nhà”, Đồng Hữu Th, một công chức xã Phan Hiệp cho biết. Th cũng than thở. Chưa kể tiền xăng xe chạy tới lui vận động bà con, nói chung rất khó khăn.
Khó cũng phải cố gắng
Ngoài những hộ ở xa trung tâm nêu trên, cái khó trong giải quyết đơn thư cũng như thủ tục hành chính còn xảy ra với những người đi làm ăn xa ở TP.HCM, Phan Thiết và ở các tỉnh khác. Dù vậy, những người làm công tác giải quyết đơn thư, xử lý các vụ việc nói chung liên quan đến quyền lợi của người dân ở Phan Hiệp vẫn cố gắng liên hệ, nhắc nhở người dân. “Chúng tôi chỉ lo ngại không giải quyết đúng hạn cho người dân thì vi phạm quy định. Người dân không hiểu cứ làm theo ý mình, lúc mang hồ sơ đi khiếu nại, khiếu kiện hoặc đưa đơn ly hôn... thì “khí thế” lắm nhưng hẹn ngày đến giải quyết thì không thấy đâu, liên lạc cũng không bắt máy”, Th nói thêm.
Trước tình trạng trên, UBND xã Phan Hiệp đã đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân. Đồng thời nhắc nhở người dân nếu đến các cơ quan chức năng phản ánh, khiếu nại, nộp đơn ly hôn thì phải phối hợp giải quyết. Những lần tuyên truyền phổ biến thường trong các cuộc họp thôn và lồng ghép trong các cuộc hội họp của các ban, ngành, đoàn thể, thậm chí cả những chương trình phát quà từ thiện. “Chúng tôi đã và đang làm rất nhiều phần việc để nâng cao nhận thức người dân, nhất là trong vấn đề đất đai. Thực tế, cuộc sống của một bộ phận người dân còn rất khó khăn, từ chỗ khó khăn kéo theo nhiều bất cập. Họ mải lo mưu sinh nên quên đi việc mình đã làm, tạo cho vụ việc giải quyết kéo dài vì không đúng hẹn”, ông Hắc Văn Quang Huy cho biết.