“Thủ phủ tôm giống” bị sóng biển đe dọa

Kinh tế - Ngày đăng : 14:32, 01/02/2018

BT- Được mệnh danh là “thủ phủ tôm giống” của cả nước, nhưng hiện nay các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong đang đối diện với nguy cơ mất dần cơ sở sản xuất vì biển xâm thực.
                
 Biển xâm thực đang đe dọa sự tồn tại    của thủ phủ tôm giống Vĩnh Tân.

Những ngày này, sóng ở khu vực biển Vĩnh Tân rất mạnh. Những con sóng lớn xô mạnh vào bờ kè tạm khiến anh Hùng không khỏi lo lắng. Để chống lại tình trạng biển xâm thực, anh Hùng (Doanh nghiệp sản xuất tôm giống Hùng Bảo) đã bỏ 40 triệu đồng để mua bê tông tươi đổ xuống các khe đá. “Phía dưới, tôi đã làm một chân kiềng sâu hơn 1m. Nhưng vùng biển ở đây rất sâu nên sóng cuốn lớp cát phía dưới. Lâu ngày làm sập kiềng. Đổ bê tông cho sóng khỏi cào lớp cát trên mặt chứ còn ở dưới thì thua”, anh Hùng chỉ tay vào chân kè chắn sóng đã xuất hiện những vết nứt.

Theo những doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại khu vực thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân thì trước đây khu vực này có một bãi cát. Từ khu vực trại sản xuất tôm giống của các công ty hiện nay kéo dài ra biển hơn 10m. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, bãi cát này đã bị sóng cuốn trôi. Năm 2016, biển xâm thực bắt đầu tấn công các trại sản xuất tôm giống. Để đối phó với tình trạng biển xâm thực, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã làm bờ kè tạm. “Năm 2016 do sóng bào mòn lớp cát ở phía dưới nên 2 bể lọc nước và bức tường phía sau của trại sản xuất đã bị sập. Sau đó tôi làm bờ kè tạm bằng đá và bê tông nhưng chỉ được có mấy tháng thì sóng cuốn trôi”, anh Hùng cho biết. Bờ kè hiện tại của doanh nghiệp anh Hùng được xây lần thứ 2. Tổng số tiền anh Hùng bỏ ra để chống biển xâm thực đến nay khoảng hơn 300 triệu đồng.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực biển xâm thực ở thôn Vĩnh Tiến có chiều dài hơn 1km. Có khoảng hơn 20 doanh nghiệp sản xuất tôm giống bị ảnh hưởng bởi tình trạng biển xâm thực. Để chống lại sóng biển, các doanh nghiệp đều đã xây kè tạm. Nhưng do không có kỹ thuật và làm không đồng bộ nên có nhiều bờ kè tiếp tục bị sóng đánh sập. Tại thời điểm chúng tôi có mặt ở đây, có khoảng 5 doanh nghiệp đang sửa chữa, gia cố lại bờ kè để chắn sóng biển vào những ngày gió bấc thổi. “Vì các doanh nghiệp làm kè theo kinh nghiệm dân gian nên không đảm bảo kỹ thuật. Chỉ vài tháng là kè đã bắt đầu hư hỏng. Có doanh nghiệp đã phải làm lại bờ kè đến lần thứ 4. Bờ kè do các doanh nghiệp xây chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài thì phải có một bờ kè được xây dựng bài bản, nếu không việc mất khu vực sản xuất tôm giống ở thôn Vĩnh Tiến là điều không xa”, anh Hùng cho biết.

Trước tình trạng biển xâm thực diễn ra ngày càng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở xã Vĩnh Tân đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng bờ kè tại khu vực này. Đề nghị các ngành chức năng sớm có kế hoạch xây dựng bờ kè ở khu vực này để duy trì, phát triển một trong những sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Nguyễn Luân