Trận bão kinh khủng năm 1952 tại Phan Thiết

Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 13/05/2022

“Trận bão kinh khủng đã gieo rắc một thảm họa ghê gớm cho đồng bào ở Phan Thiết. 200 người chết trong trận bão, và còn nhiều người bị bùn lầy và nước biển cuốn đi chưa tìm thấy xác…”. Đó là bản tin của báo Tia Sáng (số 1400) phản ánh về trận bão lụt lịch sử tại Phan Thiết, xảy ra vào đêm 20 rạng ngày 21/10/1952 (tức đêm mùng 2 rạng sáng ngày mùng 3 tháng 9 năm Nhâm Thìn).
screenshot-724-.png
Một người lính Senegal đang làm nhiệm vụ bảo vệ các cột điện bị sập do cơn bão năm 1952. Con đường này ngày nay là đường Nguyễn Văn Cừ - Ảnh: agefotostock.

Theo thông tin mà báo giới đương thời cho hay, trận bão thổi từ Philippines vào các tỉnh Nam Trung bộ và Đông Nam bộ nước ta; trong đó Phan Thiết là trung tâm. Chúng ta hãy đọc lại đoạn tường thuật về trận bão lụt năm đó tại Phan Thiết: “Trong trí nhớ loài người, không có một trận bão nào mà lại ghê gớm hơn trận bão vừa tàn phá miền Nam Trung Việt và Nam Việt. Với một tốc độ 130 cây số một giờ, cuồng phong thổi từ đại dương vào, khơi một trào sóng cao 12 thước cuồn cuộn chảy vào bờ. Ngọn gió đã kinh khủng, lại thêm thác nước đổ ập lên, Phan Thiết đã tan tành. Thảm họa thật là kinh khủng” (Tia Sáng, số 1402).

Ngoài số người chết, là sự thiệt hại rất lớn về của cải vật chất. Trận bão đã thổi bay 600 ngôi nhà ở khu vực trung tâm Phan Thiết, cuốn trôi 300 chiếc thuyền; khu vực nhà lều với những thùng, tĩn nước mắm cũng bị cuốn phăng theo dòng nước. Ước khoảng 10.000 người bị thiệt hại bởi cơn bão lũ lịch sử này. Trong đó có từ 4.000 - 5.000 người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Lúc bấy giờ, dân số Phan Thiết khoảng hơn 30.000 người mà số người bị ảnh hưởng bởi bão lụt nhiều như thế đủ biết thảm họa năm Nhâm Thìn lớn như thế nào.

ong-duong.jpg
Cư dân Phan Thiết bên những ngôi nhà đổ nát, họ đang tìm kiếm những vật dụng còn sót lại sau trận bão năm 1952 - Ảnh: agefotostock.

Ở khu vực bờ bắc sông Cà Ty “nước cuốn như thác, gió rít xoáy cả một khu vực rất rộng ở trên đất, rộng tới 15 thước tây, dài bằng nửa phố chạy dọc theo sông, cả khu đó trôi theo dòng nước mà biến mất. Cùng với đó là tất cả các cột điện bị đổ sập. Rất nhiều ngôi nhà kiên cố cũng không trụ nổi; bão tan, chỉ còn trơ ra những đống gạch vụn.

Bệnh viện Phan Thiết hư hại nhiều và đầy bùn đất, một nửa kho thuốc bị hỏng vì ngập trong nước lũ. Bệnh viện nhà binh cũng không khá hơn, 150 người bị thương và bệnh nặng đang điều trị ở đó phải tức tốc chuyển vào Sài Gòn.

phia-tay..jpg
Cây cầu bắc qua sông Cà Ty (nay là cầu Lê Hồng Phong) bị trận lũ năm 1952 cuốn sập - Ảnh: agefotostock.

Khu nghĩa địa quân đội gần bờ biển cũng bị nước xoáy để tìm đường ra biển. Nước cứ thế mà đào đất, đánh bật các ngôi mộ, xới các xác chết chôn dưới đất lên và cuốn đi những mẩu xương, lẫn với những người còn sống đang ngụp lặn trong dòng nước dữ. Bệnh truyền nhiễm sẽ không tránh khỏi nếu người dân không sớm khắc phục tình trạng này.

Mùng 3 tháng 9 năm Nhâm Thìn thật là một đêm kinh hoàng!

Một người dân Phan Thiết lúc bấy giờ thuật lại (dẫn theo Tia Sáng, số 1403, ra ngày 27/10/1952): “Thật là một trận nước trút kinh khủng. Suốt ngày 19 và 20, trong gió bão, nước đổ xuống như thác. Rồi đến cuối chiều 20, nước sông dâng lên một cách ghê gớm. Nhưng người ta chưa ngờ đến 11 giờ đêm, nước tràn lên hai bên bờ, nhiều người đã kêu cứu nhưng chưa đến nỗi nào. Bỗng nhiên, nước tràn một cách kinh khủng, phố xá ngập dưới 5 thước nước, mối kinh hoàng tràn ngập mọi người, ai nấy leo cả lên nóc nhà. Thác nước cuồn cuộn chảy, cuốn theo từng đống xác người quyện với nhau. Tôi đã thấy những xác trẻ trôi vào đêm tối, tôi cố với tay giữ lấy mà không được, không còn cách nào cưỡng lại thiên tai được nữa. Đến sáng, mới biết rõ tất cả thảm họa. Không những các nhà lá bị cuốn đi mà 2 nhà bằng gạch, nhà ông Đạt và Sở Thương chính cũng bị cuốn đi. Cả đến chiếc cầu bằng bê tông cũng bị nước cuốn đi, y như một cọng rạ”.

Ngoài Phan Thiết, trận bão lụt 70 năm trước cũng gây ra những thảm cảnh cho đồng bào ta ở Nha Trang, Phan Rang, Đà Lạt, Biên Hòa, Sài Gòn… Theo thống kê, trận bão lụt lịch sử năm đó có tất cả 360 người chết. Riêng Phan Thiết lên đến 200 (nhưng chỉ có 42 xác được tìm thấy), thiệt hại về vật chất rất lớn; xếp sau là Biên Hòa khi có tới 100 người chết.

Trong cơn bão lũ, nhân dân trong vùng Phan Thiết - Hàm Thuận đã phát huy tinh thần “tương thân tương ái” ra sức giúp đỡ, hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Giới quan chức chính quyền đương thời cũng tổ chức nhiều chuyến thị sát tình hình, viết thư thăm hỏi và tiến hành các hoạt động cứu tế một cách khẩn trương, hiệu quả.

ĐỖ THÀNH DANH