Ngọn đèn hoa đăng

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:17, 13/05/2022

Trên đường đi làm, ngày nào tôi cũng chạy ngang qua đám đất trống có tấm bia đã cũ. Vốn không phải là dân địa phương nên cũng hơi tò mò về tấm bia.

Đem hỏi, chồng giải thích đó là tấm bia chiến thắng ghi lại chiến công bắn phá 2 chiếc xe tăng của địch. Còn mé dưới tấm bia, chỗ trường tiểu học bây giờ ngày trước là đồn giặc, sau giải phóng được sử dụng làm ủy ban xã, giờ trở thành trường cấp 1. Mé bên là trường mẫu giáo, hồi hợp tác xã chỗ này là trường học cho cả cấp 1 và cấp 2, trường cấp 2 bây giờ là sân bóng ngày trước. Thời còn đi học, mỗi khi ra chơi thường trốn sang phía sau ủy ban moi đạn về đập lấy thuốc súng làm pháo. Hồi đó xung quanh toàn đất hoang, táo dại nhiều ghê lắm, hay trốn đi hái táo ăn. Rồi chồng say sưa kể về những trò nghịch ngợm thuở nhỏ như thể đã lâu lắm rồi mới được nhớ lại.

dsc_6995.jpg
Ảnh: Đ.Hoà.

Theo lời chồng kể thì qua mấy chục năm vật đổi sao dời khá nhiều, duy chỉ có tấm bia chiến thắng là còn nguyên vẹn ở đó. Nói là còn nguyên vẹn thì cũng không được chính xác cho lắm vì hồi tôi mới về khu đất trống trũng sâu, mùa mưa ngập nước, tấm bia cũng ngập theo. Giờ thì khu đất được đổ đất cao ráo, tấm bia được xây phần đế mới lót gạch sạch đẹp hơn. Cả con đường dẫn vào trường tiểu học và mẫu giáo cũng được đổ bê tông sạch sẽ, học sinh đi học mùa mưa đỡ vất vả hơn. Nhà cửa đông đúc hơn, quán xá mở nhiều hơn. Cũng phải, nơi đây tập trung tới ba trường học lận mà.

Thế là chiều chiều, một số phụ huynh chờ đón con ngồi nghỉ tạm nơi chân tấm bia, có mấy cậu học sinh cũng ngồi chơi, có cậu còn ôm cả bia đu qua đu lại thích chí. Nhìn cảnh này tôi tự hỏi các cậu có biết ý nghĩa tấm bia đang ôm không? Cha mẹ có giải thích cho các cậu biết không? Câu trả lời có lẽ là không. Thời bây giờ người ta chỉ quan tâm đến cái gì thực tế, ít ai để ý đến những chuyện đã xảy ra cách đây mấy mươi năm. Còn bọn trẻ con, có giải thích chúng cũng không thể hình dung ra đồn giặc là gì, xe tăng là gì, chiến tranh là gì thì làm sao hiểu hết ý nghĩa của hai từ “giải phóng”. Chỉ những người cựu chiến binh là còn nhớ mãi những năm tháng xưa cũ đó, bởi những năm tháng ấy là cả thanh xuân của họ.

Chú họ của chồng tôi, một ông già cựu chiến binh người nhỏ thó, mỗi khi tới chơi khề khà chén rượu thường nhắc lại thời còn đi du kích. Ông kể lại với giọng vui vẻ xen lẫn những tràng cười giòn tan chứ không đau buồn ảm đạm, lâu lâu tới cái đoạn tâm đắc thường vỗ đùi đánh đét một cái sảng khoái gì đâu. Có lẽ chính cái tinh thần lạc quan yêu đời ấy đã giúp ông đi qua tháng năm máu lửa dù thân thể bị ghim vài mảnh đạn vào lưng tới giờ mỗi lần trở trời còn đau buốt không ngồi dậy nổi. Điều này thật khác biệt với những người khác, tôi cũng đã từng nghe câu chuyện ngày xưa qua lời kể một vài chú, bác họ của chồng khi tới chơi. Họ kể bằng giọng trầm buồn, bằng những câu chửi thề chen lẫn, bằng oán than đủ kiểu. Nên tôi rất mến người chú họ của chồng có giọng cười sảng khoái và những cái vỗ đùi đen đét ấy. Cuộc sống này, suy cho cùng chúng ta vẫn phải sống dù có đau khổ khó khăn tới đâu, vậy thì sao lại phải nhìn nó bằng ánh mắt thù hằn, bằng niềm đau. Cứ suy nghĩ giản đơn, nhìn mọi việc theo hướng tích cực nhất có thể, mọi việc sẽ nhẹ nhàng. Chiến tranh cũng vậy, đau thương và mất mát đã qua, cái quan trọng là xây dựng cuộc sống sao cho ấm no hạnh phúc để không phụ xương máu của cha anh ngày xưa đã đổ.

Mỗi lần đến giữa tháng tư, khi nghe báo đài nhắc về ngày giải phóng lòng tôi lại dâng lên cảm xúc tự hào và biết ơn. Nhờ thế hệ cha anh đổ máu xương, hy sinh thanh xuân của mình mà con cháu ngày nay mới có cuộc sống hòa bình, yên ổn. Tôi tin cho dù thế hệ mai sau không thể hiểu chiến tranh, không hiểu hết mất mát đau thương thì lòng biết ơn đó vẫn còn vẹn nguyên vì được truyền dạy từ những thế hệ đi trước.

Hôm qua con gái tôi tỉ mẩn làm đèn hoa đăng hưởng ứng phong trào của liên đội trường tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ. Những bông hoa đăng đỏ rực sẽ thắp lên ngọn lửa về lòng biết ơn trong nghĩa trang liệt sĩ nghi ngút khói hương ngày tháng tư rực lửa…

Phan Trúc