Niềm yêu thương vương từ bao sợi tóc
Đời sống - Ngày đăng : 07:26, 13/05/2022
Tóc, râu theo thời gian
Thời trẻ, là người Việt, phần đông ai cũng có mái tóc mướt đen. Bởi màu tóc do sắc tố có trong sợi tóc quyết định và người ta thừa hưởng di truyền từ cha mẹ. Ở dạng tóc tự nhiên, tóc có dạng thẳng, cũng có người dạng uốn sóng, xoăn. Có biết bao kiểu tóc ở ngày nay, cả phụ nữ lẫn đàn ông. Từ ý muốn của người sở hữu, mái tóc được tạo dáng theo tay người chăm sóc, theo tài hoa của người thợ. Đối với nam giới, râu là một trong những nét đặc trưng. Có những người đàn ông, hàm râu được tỉa, chăm chút cẩn thận, phù hợp với khuôn mặt và mái tóc, trông rất đẹp. Còn với đa số nam nhân, râu thường được cạo đi, để tăng sự trẻ trung, lại gọn gàng.
Theo thời gian, tuổi ngày càng nhiều hơn của đời người, tóc bạc dần. Theo kiến thức khoa học phổ thông, chúng ta biết rằng: “Cùng với tuổi tác, lượng sắc tố giảm đi, đồng thời có sự biến đổi trong phân bố các hạt sắc tố làm cho tóc bị bạc”. Mái tóc người lớn tuổi cũng từ từ thưa đi, có lúc bị xơ cứng. Độ bóng, độ mượt của tóc sẽ giảm. Đối với người đàn ông, râu ngày một cứng hơn, cũng bạc dần theo tuổi. Râu, tóc đã già đi theo đời người. Âu cũng là quy luật.
Niềm yêu thương vương từ bao sợi tóc
Trong một gia đình nhỏ, khi chỉ có vợ chồng và hai cậu con trai, nhìn sợi tóc rơi trên nền phòng, nền nhà tắm, người chồng biết đó là tóc của ai. Những sợi tóc dài rụng xuống, có lúc nhiều hơn. Dẫu biết rằng những sợi tóc chỉ ở tại vị trí như nó đã từng được có một thời gian (theo kiến thức khoa học phổ thông, một sợi tóc chỉ tồn tại ở nam trung bình là 2 năm, ở nữ là 4 - 5 năm), rồi rụng; Song, nhìn những sợi tóc mảnh mai rụng trên nền nhà, nền phòng, người chồng nhận ra: Tháng ngày đã chồng chất lên đôi vai của đôi vợ chồng mình rồi! Đôi vợ chồng trẻ của năm nảo năm nào đã già đi theo thời gian! Mái tóc của cả hai người đã thưa dần. Chiếc gương soi đã giúp mỗi người nhận ra điều ấy. Và người chồng nhận rõ nhất khi đối diện lâu với chính gương mặt mình ở những lần hớt tóc thường kỳ.
Có khi nào, người vợ nhìn mái tóc, hàm râu đã bạc đi của chồng mình, để có chút tiếc nuối, sao thời gian qua mau quá? Có khi nào, người chồng nhìn mái tóc thưa dần đi của vợ mình, chân tóc đã bạc theo thời gian, để có chút u hoài: Có biết bao việc đã làm, có bao nhiêu điều phiền muộn, khó khăn mà vợ mình đã trải qua, vì gia đình nhỏ, vì chồng, vì các con?
Những sợi tóc của một người chỉ mảnh mai, bé nhỏ về hình dạng; nhưng ngẫm về nó, mái tóc đã nói lên được biết bao điều! Tóc gợi bao niềm yêu thương, thuở hai mái đầu còn xanh. Tóc vẫn còn gợi mãi niềm yêu thương, khi cả hai mái đầu dần ngả sang bạc trắng. Bao vất vả, nhọc nhằn, trắc trở, tóc, râu như cùng chịu đựng với chủ nhân theo năm tháng của đời người.
Giữ tình yêu thương nhau bền chặt, mặn nồng, và cùng nhau vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, từ thuở tóc xanh đến khi đầu bạc, phải chăng cũng là niềm mong đợi, ao ước của mọi cặp vợ chồng?