Chỉ số PAPI Bình Thuận năm 2021 vượt 41 bậc: Hiệu quả từ tháo gỡ “điểm nghẽn con người”
Xã hội - Ngày đăng : 10:11, 13/05/2022
Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công vào top 10
Lễ công bố Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức vào ngày 10/5 vừa qua đã khiến Bình Thuận vỡ òa với kết quả mang về. Đó là Bình Thuận đã rời nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất, rời vị trí xếp thứ 53/63 tỉnh thành của năm 2020, vượt 41 bậc để bước vào nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất nước, thuộc nhóm cao nhất nước. Với 44,15 điểm, xếp vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố, chỉ số PAPI Bình Thuận năm 2021 có 06/08 nội dung tăng điểm và tăng thứ hạng so với năm 2020. Nổi bật nhất là nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, 1 trong những nội dung quan trọng quyết định kết quả chỉ số PAPI, Bình Thuận được 7,4 điểm, trong khi điểm trung bình của cả nước là 6,84 điểm. Nhờ vậy, đã đưa tỉnh vào top 10 địa phương kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tốt nhất của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong phát biểu tại cuộc họp Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022
Điều đáng nói, chỉ số nội dung này đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua 4 nội dung thành phần gồm Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công và Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Vì vậy, được ví như câu chuyện dài và khó, khi nhìn lại 5 năm gần đây, dù lãnh đạo tỉnh đã tâm huyết khắc phục nhưng kết quả mang về của chỉ số này đều không thể với tới top 20. Như năm 2020, chỉ số nội dung này của Bình Thuận đứng ở vị trí 40/63 nhưng năm 2021 đã bay vào vị trí 10/63. Một kết quả của sự đột phá.
Tương tự, nội dung Tham gia của người dân ở cấp cơ sở còn vượt tăng ngoạn mục hơn, khi từ thứ hạng 57 của năm 2017 qua thứ hạng 46 của năm 2018, rồi thứ hạng 58 của năm 2019, sang thứ hạng 54 của năm 2020 và năm 2021 là ở vị trí số 7 với 5,38 điểm, trong khi điểm trung bình cả nước là 4,71 điểm. Bên cạnh là 1 chỉ số nội dung khác mà Bình Thuận có số điểm cao hơn điểm trung bình của cả nước cũng như có thứ hạng vượt cao nhất trong 5 năm qua. Đó là Công khai, minh bạch trong ra quyết định với 5,52 điểm, vào thứ hạng 15, trong khi điểm trung bình cả nước 5,19 điểm. Còn nội dung Trách nhiệm giải trình với người dân có giảm điểm nhưng lại tăng thứ hạng so với các năm, đứng vị trí 23 với 4,41 điểm cao hơn điểm trung bình cả nước 4,31 điểm. Riêng nội dung Thủ tục hành chính công thì giảm điểm, giảm thứ hạng, đứng ở vị trí 47/63…
Chỉ số PAPI là công cụ giám sát thực thi chính sách, phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Qua đó, lắng nghe tiếng nói, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với các cấp chính quyền, tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước.
Chỉ số PAPI đánh giá trên 8 nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Hành trình của đột phá
Có được kết quả chuyển biến tích cực trên, đó là cả quá trình tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp mà có thể ví von nom na là bắt bệnh và dùng thuốc phù hợp. Vì thực tế, từ kết quả công bố chỉ số hàng năm, Chỉ số PAPI của tỉnh chậm cải thiện, có điểm số và thứ hạng thuộc Nhóm tỉnh, thành thấp nhất cả nước, năm 2019, UBND tỉnh đã tham mưu Ban thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thỉ số 42-CT/TU về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công (Chỉ số PAPI) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, cũng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh. Tuy nhiên, có lẽ không đúng “thuốc” nên năm 2020, chỉ số PAPI trượt dài tới vị trí 53/63. Kết quả ấy như làm rõ thêm tình trạng và UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ rà soát báo cáo phân tích những mặt tồn tại, hạn chế, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị.
Qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt, giao trách nhiệm cụ thể các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ để theo dõi và thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh; cũng như ban hành Kế hoạch số 2992/KH-UBND ngày 12/8/2021 về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PAR Index, PAPI, SIPAS năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. 1 tháng sau, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 07/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong nhiều cuộc họp có nội dung liên quan, lãnh đạo tỉnh cũng nhấn mạnh cụ thể đến “điểm nghẽn” cán bộ. Và phương thuốc được bổ sung đã phù hợp hơn.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Bình Thuận, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã phấn đấu thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra. Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ để thay đổi nhận thức, chuyển biến thái độ và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong thực hiện cải cách hành chính là những việc làm tăng cường khác. Cụ thể như đẩy mạnh hoạt động công khai minh bạch của cơ quan nhà nước đến tổ chức, cá nhân, nhất là những thông tin liên quan quy hoạch đất đai, xây dựng, thủ tục hành chính, các khoản huy động đóng góp của nhân dân…; thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan nhà nước và Pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ tại cấp xã.
Song song đó, đẩy mạnh thực hiện văn hóa công sở, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp trễ hẹn, sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm cải thiện chỉ số PAPI tại các cấp chính quyền cơ sở. Đặc biệt, đưa vào thực hiện một số mô hình thí điểm trong giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ tốt cho nhân dân như: Mô hình công dân không viết, mô hình chuyển giao Bưu điện thực hiện các dịch vụ hành chính công và mô hình hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực và được nhân dân ủng hộ. Kết quả Chỉ số PAPI năm 2021 là minh chứng rõ sự ủng hộ ấy và qua đó cho thấy hiệu quả của bước đầu khi tháo gỡ “điểm nghẽn con người”.