Đất đai bao giờ hết “nóng” ?

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 16:48, 13/05/2022

Theo dõi hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận (khóa XV) trước kỳ họp thứ 3 sẽ khai mạc vào ngày 23/5 tới. Bên cạnh những bức xúc về giá vật tư, phân bón, xăng dầu liên tục tăng cao, trong khi nông sản khó tiêu thụ, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, đời sống.

 Nhiều cử tri Bình Thuận đã kiến nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật Đất đai 2013, để quản lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, có hiệu quả, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai ngày càng gia tăng.

b6db1c660046c118985730-1651637982938698506991.jpg

Cũng vào thời điểm này, diễn ra Hội nghị Trung ương 5 của Đảng, trong đó một nội dung quan trọng là tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị TW 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro?…Tổng Bí thư bày tỏ trăn trở: nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí đi tù cũng vì đất…

Trong thực tế, nhờ thâu tóm đất đai, một nhóm người trong xã hội đã giàu lên nhanh chóng, trong khi nhóm người khác rơi vào bần cùng vì không còn đất. Các vi phạm trong quản lý đất đai là nguyên nhân làm Đảng - Nhà nước mất rất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao. Đất đai cũng là nguồn cơn khiến nhiều gia đình tan nát, anh em, bà con ruột thịt từ mặt nhau, lôi nhau ra tòa cũng vì tranh chấp đất. Rất nhiều “điểm nóng” căng thẳng giữa người dân với chính quyền cũng vì đất đai. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Trong nhiều trường hợp thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng để phát triển KT-XH, người dân chưa được thụ hưởng đúng quyền lợi chính đáng trên chính mảnh đất bị thu hồi của mình. Đây là một nguyên nhân gây bức xúc, có nguy cơ dẫn tới bất ổn xã hội.

Những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay phải được tháo gỡ, thể chế, chính sách về đất đai phải được sửa đổi toàn diện, để nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phát triển KT-XH, quản lý tốt đất đai sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân. Các kiến nghị của cử tri Bình Thuận nói riêng và cử tri cả nước về vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội ghi nhận, phản ánh tới Quốc hội. Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và Hóc Môn sáng 11/5 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sau khi Ban chấp hành TW nhất trí sửa đổi, bổ sung luật đất đai, tại kỳ họp vào cuối năm nay, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi bộ luật này.

Đặng Dũng