Trăn trở vì không còn được hưởng chế độ tù đày

Bạn đọc - Ngày đăng : 05:30, 16/05/2022

Bà Mười không còn được hưởng trợ cấp hàng tháng, nhưng bà vẫn trăn trở và chia sẻ với những người cùng thời hoạt động cách mạng. Họ cũng đồng cảm và mong ngành chức năng xem xét lại cho bà.

Bà là Nguyễn Thị Mười hay còn gọi là Nguyễn Thị Út (SN 1955) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có mẹ là Phạm Thị Thả - Mẹ Việt Nam anh hùng và cha là Nguyễn Văn Thời được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất và 4 anh chị khác là liệt sĩ. Bà cũng tham gia cách mạng, nhiều người cùng thời hoạt động cách mạng bị tù đày như ông Huỳnh Lưu Phương, ông Nguyễn Văn Ngọc, và bà Nguyễn Thị Ba... biết rõ về sự đóng góp của bà và gia đình bà cho cách mạng.

20220504_103206.jpg
 Bà Mười trăn trở việc mình không được hưởng trợ cấp tù, đày.

Ông Huỳnh Lưu Phương cho biết: Năm 1967 ông là Xã đội trưởng kiêm Mũi trưởng Đội công tác xã Hàm Thắng, thường đến nhà bà Mười lấy gạo nuôi quân và bà Mười cũng thường mang gạo và nhu yếu phẩm cho ông. Còn bà Ba thì nói, cô Mười thường xuyên liên lạc với bà Nguyễn Thị Chất, cả hai là chị em bạn dì, để tìm cách đưa đồ đạc, thuốc uống, đồ dùng cá nhân cho cơ sở cách mạng. Đến năm 1973 địch bắt bà Mười giam giữ tại Trung tâm cải huấn hay còn gọi Lao Xá, tức Trại tạm giam Công an tỉnh ở phường Phú Thủy hiện nay. Sau 29 ngày tra khảo, không khai thác được thông tin gì chúng phải thả bà ra.

Dừng chi trả trợ cấp

Ngày 24/11/2021, Sở Lao động – TB&XH ra quyết định đình chỉ và thu hồi số tiền đã trợ cấp cho bà Mười từ năm 2017 đến thời điểm đình chỉ là hơn 20 triệu đồng. Đây là khoản chế độ Đảng và Nhà nước quan tâm cấp hàng tháng cho người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày.

Nguyên nhân đình chỉ và thu hồi bắt nguồn từ việc, Sở Lao động – TB&XH nhận được đơn phản ánh từ Hội Cựu tù chính trị tỉnh, nơi đã giải thể nói rằng, một số đối tượng được hưởng chế độ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày chưa đúng cần xác minh, làm rõ. Trong đó có bà Mười là 1 trong 7 đối tượng nằm trong đơn phản ánh.

Trước thực trạng trên, Sở Lao động – TB&XH thành lập tổ xác minh lại các đối tượng. Qua đó, hồ sơ của bà Mười không có giấy tờ gì chứng minh tham gia hoạt động cách mạng, ngoài giấy xác nhận thời gian bị địch bắt tù đày vào ngày 13/11/1973 và thả tự do 12/12/1973 với lý do bắt: Cơ sở liên lạc cho cách mạng của Công an tỉnh. “Nhưng, nội dung giấy xác nhận không đúng với nội dung qua truy lục hồ sơ của địch đang lưu giữ tại Phòng Hồ sơ – Công an tỉnh. Bà Mười bị bắt trong thời gian đó, nhưng với lý do “tình nghi thành phần phá rối trị an” chứ không phải là “Cơ sở liên lạc cho cách mạng”, đại diện Sở Lao động – TB&XH cho biết.

Trong khi quy định tại khoản 1, Điều 46 của Nghị định 31/2013 của Chính phủ và nhiều văn bản khác nêu rõ, hồ sơ hưởng chế độ người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, phải có đầy đủ giấy tờ, trong đó có giấy tờ chứng minh có tham gia cách mạng và thời gian, địa điểm bị tù đày; bản sao giấy tờ, tài liệu khác có giá trị pháp lý lập từ ngày 1/1/1995 trở về trước...

Trăn trở

Sau khi xác minh, tổ xác minh gồm có Thanh tra, Phòng Người có công, Phòng Lao động của sở, huyện Hàm Thuận Bắc và đại diện lãnh đạo xã Hàm Chính đã làm việc với bà Mười, thông báo kết quả xác minh. Kết thúc buổi làm việc, bà Mười ký tên vào biên bản làm việc, nhưng khi về đến nhà bà đổi ý, không bằng lòng với việc mình đã ký vào biên bản và làm đơn xin rút lại chữ ký với lý do tuổi cao, mắt kém và thời điểm ký tên không được tỉnh táo. “Về đến nhà tôi đưa biên bản cho con mình đọc lại, nhận thấy có nhiều chỗ không đúng nên tôi làm đơn xin rút lại chữ ký”, bà Mười cho biết. Bà cho rằng: Đơn tố cáo không đúng sự thật, bằng chứng là bà có tham gia cách mạng và đi tù, công an đang lưu giữ hồ sơ của bà. Còn việc trước đây bà không đi gặp bà Nguyễn Thị Chất, người dẫn dắt bà hoạt động cách mạng (hiện đã chết), để xác nhận có tham gia cách mạng và bị bắt tù đày là do chủ quan, cứ nghĩ mình ở tù có 1 tháng, hơn nữa mức trợ cấp không bao nhiêu, nên bà không làm. “Sau này thấy người ta đi nhận trợ cấp và được hướng dẫn nên tôi mới đi làm thủ tục để nhận”, bà Mười nói. Bà cho biết, nói bà không hoạt động cách mạng và bị tù đày là không đúng, việc cắt trợ cấp tù đày đối với bà không quan trọng, nhưng bà muốn xác nhận rõ vì liên quan đến thanh danh cả gia đình vốn có truyền thống cách mạng.

Ông Huỳnh Lưu Phương, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành viên của Hội Cựu tù chính trị, từng “nằm gai nếm mật” thời hoạt động cách mạng ở khu vực Hàm Thắng, Hàm Chính, rồi bị đày ra nhà tù Phú Quốc nhận thấy trường hợp bà Mười bị cắt trợ cấp chưa rõ ràng. Ông Huỳnh Nhất Tịnh, cựu tù Côn Đảo và những thành viên khác của Hội Cựu tù chính trị cũng trăn trở và mong ngành chức năng xem xét lại cho bà.

Tuy vậy, Sở Lao động TB&XH cho biết họ đã làm đúng theo quy trình thủ tục, sở cũng yêu cầu bà bổ sung thêm giấy tờ có liên quan theo quy định vào hồ sơ để đảm bảo việc trợ cấp cho bà là đúng. Nhưng bà không bổ sung được gì vì bà Chất đã chết. Hơn nữa thời điểm chiến tranh loạn lạc làm sao có thể nghĩ ra được việc lưu lại bằng chứng hoạt động để sau này được hưởng chế độ. “Trường hợp của bà sở cũng rất quan tâm, chúng tôi mong bà có thêm giấy tờ nào đó hợp lệ, đúng quy định, bổ sung vào hồ sơ để được hưởng chế độ, nhưng bà lại không cung cấp được. Do đó, sở buộc phải đình chỉ trợ cấp...”, bà Đặng Thị Ngọc Hương – Trưởng phòng Người có công Sở Lao động TB&XH cho biết.

Ninh Chinh