Nghĩ về diện mạo làng gốm Chăm
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:43, 16/05/2022
Khan hiếm đất sét, co hẹp bãi nung…
Cũng như nhiều phụ nữ ở làng Chăm, gia đình bà Tiền Thị Loan làm gốm ở thôn Bình Đức đã 3 đời theo “mẹ truyền con nối”. Thu nhập nghề gốm vốn thấp, trong làng nhiều người nhụt chí bỏ nghề, nhưng bà Loan cùng 2 người chị vẫn quyết giữ lấy nghề truyền thống. “Làng gốm Chăm Bình Đức hình thành từ lâu lắm rồi, từ nhỏ tôi đã theo mẹ học nghề rồi làm đến bây giờ. Hồi đó, nhà nào cũng làm gốm, cánh đàn ông thì lấy đất, gánh củi, nung gốm còn phụ nữ sàng, nhào đất, nặn gốm… Gốm làm xong gánh trên vai vào tận Phan Thiết, ra Tuy Phong để bán. Còn bây giờ, hiện chỉ còn vài hộ làm thường xuyên, có người đặt số lượng mình làm mỗi ngày kiếm được từ 70.000 – 100.000 đồng. Gần Tết Nguyên đán may ra nhộn nhịp hơn”, nói rồi đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân xoay tròn khối đất sét tạo hình sản phẩm.
Gia đình bà Tiền Thị Loan 3 đời gắn bó với nghề gốm.
“Một xe ba gác chở đất sét thuê hiện nay có giá 650.000 đồng mà không phải muốn mua là có, bây giờ kiếm đất sét làm gốm khó lắm!”, bà Loan cho biết. Khó khăn của bà Loan là khó khăn chung của các hộ làm gốm ở thôn Bình Đức. Theo các nghệ nhân, nguồn nguyên liệu đất sét trước đây được lấy từ khu mỏ thuộc thôn Xuân Quang (xã Hải Ninh). Khu vực này là đồng ruộng khai hoang nhưng nay người dân làm thanh long nên phải trả tiền cho chủ đất mới lấy được đất sét. Nhà có xe ba gác, bà Loan cũng chỉ dám lấy lượng vừa đủ cho những người trong nhà làm gốm. Còn các hộ khác có người phải thuê xe, nhân công của những người chuyên đi lấy về bán lại làm cho giá thành đất làm gốm tăng lên. Vì thiếu nguyên liệu nên giá mỗi xe đất sét trước đây khoảng 300.000 đồng thì nay tăng lên 600.000 đồng. Trong khi đó, sản phẩm gốm làm ra chưa có thị trường tiêu thụ, chủ yếu người dân tự bán lẻ. Đây là lý do mà làng gốm Bình Đức hiện nay thu hẹp dần, chỉ có người trung niên gắn bó với nghề. Thống kê của UBND xã Phan Hiệp, toàn thôn Bình Đức có 415 hộ, hiện chỉ còn 40 hộ làm gốm thường xuyên.
Bên cạnh đó, diện tích bãi nung gốm ngày càng co hẹp do người dân làm nhà cửa. Mặt khác, bãi nung này lại giáp đường qua kênh mỗi khi đốt lò rất nguy hiểm cho các cháu học sinh đi học ngang qua. “Sự chồng chéo này phát sinh mâu thuẫn, nhiều lần bà con kiến nghị lên xã, chúng tôi mong rằng trong thời gian tới khi thực hiện đề án Bảo tồn và phát triển nghề gốm sẽ tính đến bố trí bãi nung phù hợp”, Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp Hắc Văn Quang Huy chia sẻ.
Bãi nung nằm ngay vị trí đường học sinh đi học.
Để giữ nghề, nghề không phụ người
Trước thực trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu đất sét, UBND xã Phan Hiệp đã kiến nghị lên UBND huyện Bắc Bình. Cuối năm 2020, UBND huyện Bắc Bình đã chỉ đạo các phòng liên quan cùng một số nghệ nhân tiến hành khảo sát để tìm mỏ đất sét phù hợp. Qua khảo sát xác định khu vực thuộc thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình có trữ lượng đất sét tương đối lớn, phù hợp làm nguyên liệu gốm, tuy nhiên mỏ đất sét này lại thuộc đất quốc phòng.
Vấn đề này đã được UBND huyện Bắc Bình đề nghị Sở Xây dựng báo cáo lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan để xem xét. Ngoài ra, UBND huyện đề xuất thêm một số vị trí khác thuộc xã Phan Điền, Hải Ninh, Bình An để địa phương khảo sát nhưng lượng đất sét nơi này rất ít, không phù hợp. Theo đề xuất của UBND xã Phan Hiệp, chỉ có 2 vị trí nguồn nguyên liệu đất sét phù hợp gồm diện tích đất quốc phòng đã khảo sát nêu trên và vị trí nằm trong bãi rác Hải Ninh mà một số nghệ nhân gợi ý đang tiến hành khảo sát. Tuy nhiên, việc khan hiếm nguyên liệu đất sét vẫn đang loay hoay, chờ đợi.
Vừa qua, tháng 8/2021, đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp được UBND tỉnh phê duyệt là tin vui với huyện Bắc Bình nói riêng và nghệ nhân làm gốm nơi đây. Nghệ nhân Lâm Văn Sổi bày tỏ: “Đề án ra đời mở ra hy vọng những khó khăn của làng nghề sẽ sớm được tháo gỡ vừa lưu giữ được giá trị văn hóa truyền thống. Mong rằng thu nhập nghề gốm sẽ khá lên”.
Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp Hắc Văn Quang Huy trăn trở, mặc dù chưa có lộ trình cụ thể cho từng mục tiêu đề ra. để đề án phát huy hiệu quả, địa phương xác định những nhiệm vụ quan trọng cần phải làm là giải quyết đầu ra bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm gốm mỹ nghệ để gốm Bình Đức vươn ra khỏi gian bếp của làng Chăm, có mặt nhiều hơn trong các khách sạn, resort. Xa hơn nữa phát triển thêm gốm mỹ nghệ, trang trí tăng tính cạnh tranh, giá thành sản phẩm giải quyết đầu ra. Đặc biệt, theo đề án, trong giai đoan 2021 – 2025 địa phương đã đề xuất xây dựng nhà trưng bày gốm và xa hơn sẽ hướng đến phát triển làng nghề gốm gắn với du lịch tìm hiểu làng nghề, thu hút khách tham quan...
Để bảo tồn, thay đổi diện mạo làng gốm, cơ quan quản lý cần sớm tháo gỡ những khó khăn, quan tâm tổ chức các lớp học tập kinh nghiệm làm gốm mỹ nghệ, khuyến khích các nghệ nhân nâng cao tay nghề, kết nối xúc tiến quảng bá sản phẩm đầu ra ổn định, tạo thu nhập ổn định cho người làm gốm tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Bởi suy cho cùng để người làm gốm yên tâm theo nghề bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề phải đảm bảo thu nhập ổn định, từ đó thu hút được lao động nông thôn. Đây là một trong các yếu tố quyết định sức sống bền bỉ nghề truyền thống này, nhất là “truyền lửa” cho thế hệ trẻ yên tâm theo nghề và nghề cũng không phụ người.