Phát triển chợ truyền thống: Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Kinh tế - Ngày đăng : 04:32, 18/05/2022
Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi tiểu thương khi từng bước thay đổi thói quen bán hàng, bỏ dần tình trạng nói thách, nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng, thì việc đầu tư chợ một cách khang trang, hiện đại sẽ là điểm mấu chốt để người tiêu dùng không quay lưng với chợ truyền thống.
Thay đổi để cạnh tranh
Những năm gần đây, chính quyền địa phương trong tỉnh đã quan tâm kêu gọi tiểu thương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư xây dựng chợ. Hầu hết các chợ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa đều có hạ tầng tốt, thông thoáng, hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy đảm bảo, đáp ứng các yêu cầu kinh doanh của tiểu thương… Nhờ đó, các chợ được doanh nghiệp đầu tư đang có chiều hướng phát triển tích cực. Hoàn thành từ tháng 12/2019 nhưng mãi đến đầu năm 2022, chợ Tân Thắng (Hàm Tân) mới chính thức đi vào hoạt động vì còn vướng nhiều thủ tục pháp lý cũng như giữa tiểu thương và chủ đầu tư chưa đồng nhất về giá cả và việc bố trí, xây dựng quầy hàng chưa hợp lý. “Sau nhiều cuộc họp giữa 3 bên tiểu thương – nhà đầu tư – chính quyền địa phương, đến trước Tết Nguyên đán 2022, những thủ tục pháp lý cơ bản đã hoàn thành, sự thỏa thuận về giá cả, cũng như yêu cầu thay đổi một số thiết kế quầy hàng của tiểu thương đã được đáp ứng. Nhờ đó, hơn 200 tiểu thương đã đồng thuận vào chợ buôn bán, sau hơn 2 năm phải kinh doanh, lấn chiếm hành lang quốc lộ 55, không đảm bảo an toàn giao thông. Từ ngày vào chợ mới, không chỉ tiểu thương phấn khởi mà người dân địa phương rất vui mừng vì được mua sắm trong không gian khang trang, sạch sẽ, đa dạng nhiều mặt hàng”, chị Nguyễn Trần Kim Ngân – Trưởng BQL chợ Tân Thắng cho biết.
Hay việc xây dựng chợ mới Sa Ra (xã Hàm Đức - Hàm Thuận Bắc) cũng là một điển hình cho việc đầu tư chợ đúng mục đích. Có mặt tại chợ này những ngày đầu tháng 5, nơi có vị trí thuận lợi nằm trên trục giao thông quốc lộ 1A. Vào buổi sáng, không khí buôn bán tại chợ khá nhộn nhịp, đông đúc với đầy đủ các mặt hàng. Các tiểu thương nơi đây không chỉ bán lẻ, mà còn là đầu mối bỏ sỉ hàng hóa quan trọng cho các chợ nông thôn vùng ven. Đây là một trong những chợ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa do Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Phú Thịnh làm chủ đầu tư. Đây là chợ hạng 3 với 186 điểm kinh doanh, có tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng đã xây dựng hoàn thành từ năm 2016. Sau 6 năm đi vào hoạt động, ngôi chợ này không những góp phần đưa xã về đích nông thôn mới mà còn được 100% tiểu thương tại chợ cũ trước đây chuyển về kinh doanh và lấp đầy các điểm kinh doanh theo thiết kế. Ngoài ra, còn những chợ khác trên địa bàn tỉnh cũng được xã hội hóa, hoạt động kinh doanh khá hiệu quả như chợ Hàm Cường (Hàm Thuận Nam), Tân Thiện (La Gi), Hải Ninh (Bắc Bình), Phước Thể (Tuy Phong), chợ Chợ Lầu (Bắc Bình)…
Để chợ truyền thống là điểm đến hấp dẫn
Có thể thấy, hầu hết những chợ mới đi vào hoạt động đã hạn chế tình trạng người dân buôn bán trên các trục đường, trả lại sự thông thoáng và mỹ quan đô thị, đặc biệt góp phần xóa “điểm đen” giao thông. Tất cả chợ mới đều có quy mô lớn và khang trang, sạch sẽ hơn chợ cũ nên phục vụ tốt nhu cầu mua bán, tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa các vùng miền, tăng ngân sách cho địa phương… Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, chủ đầu tư xây dựng các chợ truyền thống đã kịp bắt nhịp xu thế mới, cố gắng cho ra đời những chợ truyền thống nông thôn khang trang, hiện đại, ở những vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, so với khu vực nông thôn thì các chợ truyền thống ở các đô thị có tính cạnh tranh cao hơn khi tình trạng chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát chưa được giải quyết dứt điểm, thiết kế xây dựng cũng như bố trí ngành hàng chưa hợp lý dẫn đến việc thu hút người dân, khách du lịch tham quan, mua sắm tại các chợ truyền thống có chiều hướng giảm dần. Điển hình là chợ Phan Thiết, chợ loại 1 duy nhất trên địa bàn tỉnh, thời gian gần đây đang giảm sức hút là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Do đó, để phát huy những giá trị văn hóa mà chợ truyền thống mang lại cũng như thu hút người dân, du khách trong các chuyến du lịch đến Bình Thuận đều phải ghé đến như một điểm tham quan, mua sắm, ngành chức năng cần có những giải pháp căn cơ hơn. Mới đây, tại cuộc họp xem xét, giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động chợ Phan Thiết, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết - Lê Văn Chơn đã có ý kiến: “Yêu cầu BQL chợ tiếp tục phối hợp với UBND phường Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo trong việc lập lại trật tự đô thị, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lề đường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường xung quanh chợ. Đồng thời, yêu cầu phòng Kinh tế phối hợp BQL chợ khảo sát, xây dựng phương án sắp xếp lại các ngành hàng tại chợ Phan Thiết…”.
“Trong tương lai, để chợ truyền thống là điểm đến hấp dẫn, phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, các địa phương cần chủ động kêu gọi nhà đầu tư, tiểu thương kinh doanh tại chợ tham gia góp vốn đầu tư xây dựng chợ, góp phần nâng cao tiêu chí chợ. Bên cạnh đó, đối với những chợ truyền thống đã xuống cấp, ngành cũng sẽ phối hợp các địa phương có phương án để từng bước nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu buôn bán và mua sắm của tiểu thương, người dân và du khách. Ngoài ra, sẽ gắn kết các điểm bán hàng tại chợ với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương, yêu cầu niêm yết giá bán tại các quầy, sạp trong chợ và bán đúng giá niêm yết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ…” - ông Đỗ Xuân Lâm – Phó phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương cho biết thêm.
Bình Thuận có 137 chợ đang hoạt động, trong đó có 1 chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2 và các chợ hạng 3. Trong đó có 13 chợ được doanh nghiệp đầu tư xây dựng như: Công ty TNHH đầu tư xây dựng kinh doanh BĐS Phú Thịnh; Công ty TNHH xây dựng Phan Đình; Công ty cổ phần thiết kế tư vấn xây dựng dịch vụ tổng hợp Toàn Kiến Phát; HTX Thanh long Hàm Hiệp…
Ông Đỗ Xuân Lâm – Phó phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương chia sẻ: “Về mặt tích cực, việc đầu tư xây dựng chợ bằng hình thức xã hội hóa có ưu điểm làm giảm gánh nặng ngân sách địa phương trong việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng chợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hưởng ứng tham gia đầu tư xây dựng chợ, nhất là các chợ xã – là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đã làm bộ mặt nông thôn cải thiện đáng kể, góp phần phát triển kinh tế địa phương và doanh nghiệp”.