“Tiếng lòng” trong cuộc tiếp xúc cử tri

Xã hội - Ngày đăng : 04:38, 18/05/2022

Đôi khi có tiếng nói lớn vì bức xúc, nhưng cũng có tiếng nhỏ nhẹ chân chất đậm vị mặn của biển cả chạm đến trái tim. Tất cả là ý chí và nguyện vọng xuất phát từ đáy lòng của người dân mong muốn đại biểu Quốc hội chuyển tải đến Quốc hội và cơ quan hữu quan.
img_9237.jpg
Đại biểu Quốc hội trò chuyện gần gũi với cử tri.

Trong hội nghị...

Cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước, những năm qua công tác tiếp xúc cử tri luôn được các cơ quan giám sát thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Bởi đây là hoạt động rất quan trọng giúp Quốc hội, HĐND tỉnh cũng như các cơ quan hữu quan nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên nhiều lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội. Từ đó đưa ra quyết sách hợp lý hơn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong khuôn khổ bài viết này đề cập đến hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Theo đó, một nhiệm kỳ 5 năm, cứ theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội lại gác lại những công việc thường ngày về cơ sở gặp gỡ cử tri, những người là cán bộ công chức xã, phường, cán bộ hưu trí, nông, ngư dân...

img_9204.jpg
Một trong những Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Điểm gặp gỡ ở các hội trường xã, phường, có nơi cách xa hàng trăm kilômét cả đi và về theo đường vòng tính từ điểm đầu xuất phát Văn phòng HĐND tỉnh. “Tỉnh ta có 7 đại biểu Quốc hội, để đi tiếp xúc hết 124 xã, phường trong suốt nhiệm kỳ 5 năm, các đại biểu cố gắng sắp xếp công việc và thời gian đi cho phù hợp”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông thông tin đến cử tri 2 phường Đức Long và Lạc Đạo trong cuộc tiếp xúc cử tri hôm 9/5.

Nghị quyết liên tịch số 525/2012/của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, ngày 27/9/2012 về hoạt động này, quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội... tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trách nhiệm giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Phần lớn cử tri đến hội trường gặp gỡ đại biểu là các cô, chú lớn tuổi mang trong mình đầy những mối lo toan không chỉ chuyện gia đình mà còn những vấn đề xã hội... Mối lo ấy có thể là giấu kín, cũng có thể kiến nghị với ngành chức năng, với đại biểu Quốc hội. Chính vì thế, trong hội trường tiếp xúc cử tri luôn nặng bầu không khí căng thẳng, nhất là những năm gần đây khi tình hình đất đai có biểu hiện “sốt”.

Có “tiếng lòng”

Hội nghị thường có 3 phần gồm đại biểu Quốc hội báo cáo dự kiến nội dung, chương trình của kỳ họp, cử tri cho ý kiến đóng góp và kiến nghị, sau cùng là ngành chức năng giải trình. Trong đó, phần ý kiến, kiến nghị bao giờ cũng chiếm nhiều thời gian nhất. Phần lớn ý kiến, kiến nghị đều mang tính xây dựng, đầy trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và đất nước. Mỗi cử tri khi phát biểu có cử chỉ, biểu cảm khác nhau nhưng đều xuất phát từ đáy lòng, mong sự tốt lành trong cuộc sống. Muốn các đại biểu cũng như lãnh đạo cơ quan chức năng giữ “cái đầu lạnh” với “trái tim nóng”. Nghĩa trái tim nóng ở đây là “tâm”, cái đầu lạnh là “trí”, giữa “tâm” và “trí” luôn điều hòa nhịp nhàng, công – tâm rõ ràng để cử tri cũng như người dân không ai bị thiệt thòi, thua thiệt.

img_0964.jpg
"Tiếng lòng" trong cuộc tiếp xúc cử tri.

Cuộc tiếp xúc cử tri ở xã Tân Hải cách đây 4 năm là điển hình, cả hội trường ồn ào náo nhiệt, mặc dù người dẫn chương trình hội nghị liên tục nhắc nhở cử tri. “Hiến đất làm đường, nhưng khi cấp sổ lại bắt phải chừa lề đường rất nhiều, chúng tôi không được quyền gì...”, bà Đỗ Thị L, một trong những cử tri bức xúc nói to trong hội nghị. Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên cố gắng giải thích trấn an cử tri dù kiến nghị ấy thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. “Vấn đề đưa ra hội nghị chủ yếu liên quan đất đai, chính quyền địa phương không giải quyết tốt để dồn nén đến hôm nay đưa ra hội nghị. Mong chính quyền địa phương thường xuyên tiếp xúc với cử tri và giải quyết thấu tình đạt lý để không có đơn thư vượt cấp”, bà Nguyên đề nghị địa phương lưu ý.

Cử tri khác như làm chủ sân khấu với ngôn từ mộc mạc, gần gũi diễn giải có dẫn chứng để đại biểu hiểu hơn. “Quốc hội phải nghiên cứu làm sao sửa đổi lại Luật Đất đai cho chặt chẽ, chứ tôi thấy hiện nay người ta chết vì đất đai, ở tù cũng vì đất đai, cha mẹ, vợ chồng, con cái ly tán với nhau cũng vì đất đai. Rồi viên chức, công chức làm “cò đất đai”, rất nguy hiểm”, cử tri Lê Xuân H, phường Đức Long có ý kiến trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại phường. Với thanh long hạ giá, ông mong muốn Bộ Công thương có cách nào can thiệp để thanh long Bình Thuận không mất giá. “Xem phương tiện truyền thông những năm trước, thấy thanh long xuất sang Nhật Bản đắt như vàng, nhìn lại thanh long hiện nay hạ giá, đổ bỏ... Sao nông dân Bình Thuận khổ dữ vậy trời!”, ông nói giữa hội nghị. Ông tha thiết mong các đồng chí lãnh đạo trẻ nhiệm kỳ này, cố gắng tháo gỡ được nút thắt này.

Những “câu chuyện” trong hội nghị tiếp xúc cử tri nêu trên là phần nhỏ trong các hội nghị ấy. Thông qua đó mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri, với nhân dân ngày càng được thắt chặt. Đồng thời những bức xúc từ cuộc sống, những ý kiến, kiến nghị được cử tri gửi gắm cho đại biểu cũng được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Cử tri yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng - nơi luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam ấm no, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Bởi vì gia đình có no ấm, tự do, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ thì mới có điều kiện để xây dựng và phát triển đất nước.

Ghi chép: Ninh Chinh