Phòng chống thiên tai: Vì sao Bình Thuận đạt kết quả thấp theo đánh giá Bộ chỉ số?
Xã hội - Ngày đăng : 05:08, 18/05/2022
Thiếu nhân sự, kinh phí
Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cho biết, kết quả đánh giá công tác PCTT theo Bộ chỉ số năm 2021, cả nước có 10 tỉnh đạt kết quả tốt nhất; 43 tỉnh có kết quả trung bình; 10 tỉnh có kết quả thấp nhất, trong đó có Bình Thuận. Về phía tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, tổng số điểm tự đánh giá đạt được là 85,05/100 điểm, kết quả tự đánh giá là hoàn thành tốt yêu cầu về công tác PCTT cấp tỉnh năm 2021. Tuy nhiên, từ thực tế thời gian qua, địa phương phải thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến Bình Thuận nằm trong nhóm Bộ chỉ số đạt thấp nhất cả nước bởi một số khó khăn, vướng mắc do thiếu nhân lực và kinh phí.
Theo ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, hiện nay công tác PCTT và TKCN rất đa dạng, phức tạp, nhiều loại hình thiên tai, trên nhiều lĩnh vực hoạt động và liên quan đến nhiều ngành. Trong khi đó, biên chế về nhân sự giao hàng năm cho Chi cục thủy lợi kiêm Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy lại không được bổ sung thêm người (chỉ có 1 biên chế) để bố trí hoạt động. Nhất là trong công tác trực ban PCTT&TKCN phải tổ chức trực 24/24 giờ từ ngày 1/6 đến hết ngày 31/12 hàng năm để tiếp nhận thông tin. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh và Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng phó, phòng tránh thiên tai hiệu quả. Đặc biệt, việc thiếu nhân lực hoạt động càng gây khó khăn trong lĩnh vực TKCN (trực ban 24/24 giờ trong ngày/năm). Do đó, Văn phòng thường trực không thể bố trí cán bộ, nhân viên trực theo quy định của Bộ luật lao động (không quá 300 giờ/năm). Ngoài ra, tại các địa phương, trong năm qua tất cả các cấp cơ sở trong tỉnh đều có sự thay đổi, bổ sung về mặt nhân sự. Nhiều cán bộ đã nghỉ hưu, luân chuyển công tác, cán bộ mới lại chưa được tập huấn, đào tạo về công tác PCTT…
Bên cạnh khó khăn về nhân sự, Bình Thuận là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong nhận trợ cấp của Trung ương. Vì vậy, nguồn kinh phí của tỉnh rất hạn chế, không đủ để bố trí cho việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN, nhất là việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình PCTT...
Đề xuất định hướng
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại hiện nay, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã nêu một số định hướng về tổ chức bộ máy cơ quan PCTT cấp tỉnh. Trong đó, phải xác định PCTT và TKCN là một nghề chính như các nghề khác trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống chính trị để có cơ sở xác định chế độ đãi ngộ tương xứng với tính chất nghề nghiệp.
Về tổ chức, nhân sự, bộ máy Văn phòng thường trực, nên thành lập bộ phận chuyên trách (không bố trí kiêm nhiệm) theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Đồng thời, xây dựng trang web của Ban Chỉ huy về PCTT và TKCN của địa phương, vận hành các hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm, giám sát chuyên dùng phục vụ PCTT và TKCN. Mặt khác, đề nghị hỗ trợ tỉnh về cơ sở dữ liệu, số hóa cơ sở dữ liệu về PCTT; số hóa bản đồ quản lý rủi ro thiên tai; chuyển giao các phần mềm hỗ trợ ra quyết định... Cùng với đó, tập huấn, hướng dẫn công nghệ và các phần mềm, ứng dụng nêu trên từng bước nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian tới.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh có 24 tiêu chí, trong đó có 52 tiêu chí thành phần, chia thành 4 nhóm, gồm nhóm tiêu chí về tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy tỉnh; nhóm phòng ngừa thiên tai; nhóm ứng phó thiên tai; nhóm khắc phục hậu quả thiên tai.