Khắc phục tình trạng bỏ điều trị Methadone

Đời sống - Ngày đăng : 05:37, 20/05/2022

Trước thực trạng tỷ lệ bỏ điều trị thay thế bằng Methadone ở La Gi cao, việc tìm giải pháp hiệu quả nâng cao tỷ lệ tuân thủ điều trị cai nghiện ma túy bằng phương pháp này yêu cầu cấp thiết.

Một đề tài nghiên cứu vấn đề trên khá dày công, thu thập dữ liệu, phân tích, hình thành giải pháp và áp dụng vào thực tiễn qua thời gian dài 5 năm. Kết quả áp dụng các giải pháp, ngăn chặn hiệu quả tình trạng bỏ điều trị Methadone, tăng tỷ lệ tuân thủ điều trị tại Trung tâm Y tế La Gi trong các năm 2018-2020 và mang lại hiệu quả đáng phấn khởi về kinh tế và xã hội. Đề tài cũng đạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16. Đó là chia sẻ của bác sĩ Đỗ Huy Sơn (Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận).

kham-dieu-tri-methadone.png
Nhân viên y tế khám, tư vấn cho bệnh nhân đang điều trị thay thế bằng Methadone

Tỷ lệ bỏ điều trị cao

Tại La Gi, trong 2 năm (2016 -2017), toàn thị xã có 325 bệnh nhân đăng ký điều trị thay thế bằng Methadone. Trong đó, có 237 người bỏ điều trị, chiếm tỷ lệ 72,9%. Tỷ lệ bỏ điều trị cao do từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đó là mối quan hệ của bệnh nhân với người nghiện ma túy trong xã hội. Một số bệnh nhân đang điều trị Methadone, thì gặp lại bạn nghiện, bị lôi kéo, rủ rê, không thể từ chối được. Những bệnh nhân này đi vào con đường nghiện ma túy trở lại và bỏ điều trị.

Có trường hợp gia đình thờ ơ, bệnh nhân không tuân thủ điều trị nên bị hội chứng cai tức khắc và sử dụng lại heroin. Bên cạnh đó, những người nghiện ở vùng phụ cận, cách xa cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone, khó khăn trong vấn đề đi lại. Họ đi uống hàng ngày, không đủ tiền đổ xăng nên đành bỏ điều trị. Thời gian uống Methadone không phù hợp với thời gian đi làm. Nguyên nhân khác là bệnh nhân đi làm ăn xa, đi biển dài ngày, hoặc có người quên uống thuốc , hoặc không ai hỗ trợ nhắc nhở...

uong-methadone-tai-lagi.png
Bệnh nhân uống Methadone

Trước tình hình bỏ điều trị thay thế bằng Methadone cao, bác sĩ Đỗ Huy Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận và bác sĩ Cao Xuân Quan (Giám đốc Trung tâm Y tế La Gi) cùng nhau nghiên cứu, tìm giải pháp hiệu quả nâng cao tỷ lệ tuân thủ điều trị cai nghiện ma túy bằng chất thay thế Methadone, khắc phục tình trạng bỏ điều trị của bệnh nhân tại Trung tâm Y tế La Gi.

Cụ thể, 2 tác giả đề xuất và chủ động áp dụng các giải pháp khắc phục tình trạng bỏ điều trị Methadone đối với riêng mỗi bệnh nhân tại Trung tâm Y tế La Gi trên cơ sở kết quả nghiên cứu. Trung tâm Y tế La Gi phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã/phường tích cực truyền thông giáo dục sức khỏe người nghiện tự nguyện tham gia và tuân thủ nghiêm túc quá trình điều trị. Cán bộ, đoàn thể và y tế cần tăng cường thảo luận, tư vấn thường xuyên, tư vấn tích cực, tìm hiểu lý do, xử lý kịp thời đối với bệnh nhân bỏ liều; nâng cao kiến thức hiểu biết của bệnh nhân về Methadone. Hướng dẫn một số biện pháp khắc phục các tác dụng phụ hoặc tương tác của thuốc. Triển khai điểm cấp phát thuốc, điều chỉnh giờ giấc uống thuốc sớm hơn (trước thời gian bệnh nhân đi làm).

Hiệu quả trông thấy

So với giai đoạn 2016 - 2017, mỗi năm trong giai đoạn 2018 -2020 giảm 40,1% bệnh nhân bỏ điều trị, tương đương giảm 34 bệnh nhân mỗi năm. Hiệu quả kinh tế với mỗi bệnh nhân tuân thủ điều trị có thể ước tính, 1 người nghiện ma túy cần phải bỏ ra từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi ngày mua ma túy sử dụng. Khi bệnh nhân tuân thủ điều trị, thì khoản tiền từ 36 - 72 triệu đồng được giảm cho mỗi người. Đồng thời giảm chi phí khám chữa bệnh người nghiện ma túy. Bình quân mỗi người có 3 lượt khám điều trị tại bệnh viện và chi phí trung bình mỗi lượt điều trị cho 1 bệnh nhân là 3,5 triệu đồng (mức bình quân chung ở Việt Nam). Nếu 1 bệnh nhân tuân thủ điều trị Methadone, sức khỏe hồi phục tốt, thì mỗi năm tiết kiệm ít nhất 10,5 triệu đồng cho chi phí khám chữa bệnh. Thêm vào đó, giảm chi phí từ ngân sách nhà nước để tổ chức lực lượng phòng, chống và giải quyết các hậu quả do tệ nạn ma túy đem lại.

Sau 5 năm điều trị, tỷ lệ bệnh nhân tiêm chích ma túy đã giảm từ 88,1% xuống còn 12,8%. Tỷ lệ bệnh nhân còn hoạt động phạm tội giảm từ 57,9% xuống còn 2,3%. Đồng thời, tăng tỷ lệ tuân thủ điều trị Methadone giúp cải thiện sức khỏe, giúp người nghiện duy trì việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, tăng sức lao động cho xã hội. Bằng con số cụ thể, trước khi tham gia điều trị Methadone 53,1% bệnh nhân có việc làm không ổn định, 16,8% bệnh nhân thất nghiệp. Sau 5 năm điều trị, tỷ lệ có việc làm không ổn định giảm xuống còn 24,7% và tỷ lệ thất nghiệp còn 3,8%.

Theo bác sĩ Sơn, giải pháp nâng cao tỷ lệ tuân thủ điều trị cai nghiện ma túy bằng chất thay thế Methadone, khắc phục tình trạng bỏ điều trị của bệnh nhân tại La Gi được các cơ sở điều trị Methadone trong tỉnh và ngoài tỉnh (quận 6, quận 8 TP. Hồ Chí Minh và TP. Vũng Tàu) quan tâm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Việc tăng tỷ lệ tuân thủ điều trị Methadone giúp bệnh nhân dừng hoặc giảm sử dụng các chất gây nghiện bất hợp pháp, giảm tội phạm liên quan đến ma túy, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tăng cường an ninh, trật tự cho địa phương.

TRANG MINH