Kỳ diệu chiếc “thúng chai”

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:42, 22/05/2022

Anh Nguyễn Long sống ở vùng Biển Hồ - Gia Lai rành rõi về nghề chèo thuyền trên sông nước, vậy mà khi về tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch Cam Bình, thị xã La Gi anh lên chiếc thuyền thúng của dân làng chài chèo thử, không hiểu sao thúng cứ quay vòng tròn.

Thế rồi, con sóng bạc đầu đập mạnh làm cả người và thúng chồng chềnh rồi lật úp. Những người bạn trên bờ được một trận cười hả hê. Anh Long chia sẻ: “Thật khó, ngồi trên chiếc thúng tròn như nửa trái cam không biết đâu là mũi, đâu là lái, hơn nữa sóng đập mạnh làm thúng lắc lư, chao đảo. Nếu 2-3 người ngồi càng nguy hiểm, thúng chồng chềnh dễ lật hơn. Nhưng tôi thấy người dân chài sử dụng thuyền thúng rất cơ động, dễ quay đầu, dễ thả lưới…”.

img_2817.jpg
Vượt sóng ra biển bằng thúng chai (ảnh Đ. Hồng)

Trên địa bàn Bình Thuận chưa có số liệu chính xác về số lượng thuyền thúng của ngư dân, nhưng phần lớn mỗi hộ dân làng chài Bình Thuận có từ 1-2 thuyền thúng (gọi là thúng chai) để hành nghề đánh bắt hải sản ven bờ, câu mực ngoài khơi. Ngoài công cụ phục vụ đánh bắt cá, mực thuyền thúng còn được sử dụng như một phương tiện cứu sinh trong những trường hợp khẩn cấp trên biển và cũng là phương tiện vận chuyển người và hàng hóa nhẹ. Ngày nay, tại một số làng chài người dân sử dụng thuyền thúng phục vụ du lịch, giúp lữ khách trải nghiệm tự chèo hoặc chủ thuyền chở vài khách di chuyển gần bờ ngắm cảnh. Tại khu du lịch Cam Bình (La Gi) hay làng chài Kê Gà (Hàm Thuận Nam) đang có xu hướng sử dụng thúng chai giúp lữ khách trải nghiệm, hoạt động vui chơi, giải trí ven bờ biển.

Lão ngư Huỳnh Văn Sáu, ngụ tại xã Tân Phước (La Gi) chia sẻ: “Thuyền thúng là sản phẩm sáng tạo của ngư dân trong thời kỳ pháp thuộc. Người dân sáng tạo chiếc thuyền như một cái thúng lớn dùng chở người, sản phẩm đánh bắt trên biển, với mục đích tránh được thuế thuyền lúc bấy giờ. Khởi đầu chiếc thùng được làm từ nguyên liệu cây tre chẻ nhỏ thành mảnh, phơi khô và cắt theo kích thước mong muốn một cách chính xác trước khi đan bằng tay, sau đó dùng nhựa chai, nhựa đường quyét chống thấm. Ngày nay, thuyền thúng còn được sản xuất với nhiều biến thể, nguyên liệu khác. Các phiên bản hiện đại của thuyền thúng người ta sử dụng sợi thủy tinh, vải và composite làm nguyên liệu chính để thay thế tre, giúp cho thúng nhẹ và bền hơn. Nhiều ngư dân lắp cả động cơ để ra biển xa hơn. Với hình dạng tròn và làm từ vật liệu nhẹ giúp thúng chai di chuyển một cách tự nhiên trên biển và luôn ở trên những ngọn sóng. Khi vào bờ ngư dân có thể kéo thúng lên bãi cát vệ sinh dễ dàng. Hình ảnh hàng trăm chiếc thúng khổng lồ nằm phơi mình trên bãi cát trắng Cam Bình, Tân Hải (La Gi), Kê Gà (Hàm Thuận Nam), Mũi Né, Hàm Tiến (Phan Thiết), Phước Thể, Duồng, Phan Rí Cửa (Tuy Phong)… đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa làng biển, kỹ năng sử dụng thúng chai. Chiếc thuyền tuy đơn sơ không mũi, không lái, tròn xoe như cái thúng, nhưng lại uyển chuyển, thích nghi mọi địa hình, gắn bó và tồn tại cùng ngư dân bám biển hơn 100 năm nay. Nhiều lữ khách từ Cao nguyên về Phan Thiết không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc thúng khổng lồ ở làng chài Mũi Né, Rạng rẽ sóng và bồng bềnh trên mặt biển bao la; không ít lữ khách thích mạo hiểm xin phép chủ thuyền leo lên chiếc thúng để kiểm tra kỹ năng chèo của mình. Những cuộc trải nghiệm như thế cùng với sự hướng dẫn tận tình của chủ thuyền về cách chèo thúng trên biển đã gây sự hứng khởi và hấp dẫn với bao lữ khách lần đầu được ngồi trên chiếc thúng lắc lư trên ngọn sóng.

Có thể nói, thuyền thúng đã vượt ngoài những giá trị phương tiện di chuyển và đánh bắt hải sản trên biển, thúng chai trở thành biểu trưng cho văn hóa, sự sáng tạo của ngư dân và nét độc đáo của nghề cá Việt Nam. Giờ đây, ngư dân các làng chài lại sáng tạo đưa thúng chai phục vụ khách du lịch. Bởi thuyền thúng có nét khác biệt, luôn lướt trên đầu sóng, ít bị lật, khó điều khiển hơn so với các loại thuyền khác. Vì thế, lữ khách phương xa hoặc khách nước ngoài càng thấy thú vị và luôn muốn khám phá, trải nghiệm điều kỳ diệu chiếc thúng chai xưa và nay.

Lê Thanh