Người đảng viên nặng lòng với nếp xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 05:58, 23/05/2022

Thương hiệu “Nếp Cô Duyên” không chỉ nổi tiếng ở Bình Thuận nhiều năm nay mà còn được biết đến ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu ra một số nước Đông Nam Á. Người có công không nhỏ làm nên thương hiệu ấy phải nhắc đến đảng viên Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 1984), Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Thành ở địa bàn xã Nam Chính, Đức Linh, Bình Thuận. Anh vinh dự được kết nạp Đảng vào năm ngoái tại nơi làm việc Chi bộ HTX Nông nghiệp Công Thành.

 Tuổi Đảng nhỏ, ý chí cao

Tôi may mắn gặp đảng viên Nguyễn Trọng Nghĩa ở căn nhà mái Thái rộng rãi, khang trang được dùng làm trụ sở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công Thành nằm bên đường ĐT. 766 xã Nam Chính khi đợt dịch Covid-19 đang hoành hành ở huyện Đức Linh cuối năm rồi. Khi ấy, Nghĩa vừa xong tiết học trực tuyến cập nhật kiến thức về xây dựng Đảng do Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đức Linh tổ chức. Anh tươi cười, vui vẻ nói: “Mình mới vào Đảng phải trang bị kiến thức chung hiểu biết về Đảng để làm tốt nhiệm vụ đảng viên. Bây giờ đảng viên phải tiên phong, nói đi đôi với làm thiết thực, hỗ trợ người dân còn khó khăn, thì bà con tin tưởng mình”. “Hình như những năm về trước Nghĩa đã tiên phong, chia sẻ với người nông dân Đức Linh rồi?”, tôi gợi hỏi. Nhấp ly cà phê đá, anh từ tốn nói rằng: “Cũng chưa hẳn đâu, hình như cái duyên vậy. Mình tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, ra làm việc ở thành phố mấy năm đầu; gặp gỡ, nên duyên với cô gái ở Long An, rồi hai vợ chồng cùng nhau về quê Đức Linh khởi nghiệp. Khi ấy, nhiều bà con nông dân ở xã Nam Chính vẫn còn khó khăn, canh tác mấy giống lúa cũ thường bị sâu bệnh, năng suất không cao, tiêu thụ bấp bênh, cái nghèo đeo đẳng mãi. Tôi chủ động tìm hiểu một số giống nếp mới ở quê vợ Long An, kháng sâu bệnh tốt, năng suất cao; khâu tiêu thụ đã có sẵn các nhà máy xay xát lúa, nếp xuất khẩu từ gia đình phía vợ. Thời gian đầu, tôi vận động 6 hộ ở Nam Chính đưa 20 ha vào trồng thử nghiệm giống nếp, bao luôn tiêu thụ. Bà con thấy sản xuất hiệu quả, những vụ sau tham gia liên kết đông hơn. Tôi đã vận động một số người thân, bạn bè thành lập HTX Nông nghiệp Công Thành năm 2017, mở rộng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ bà con nông dân huyện Đức Linh, Tánh Linh trồng nếp, tiêu thụ”.

img_2290.jpg
 Đảng viên Nguyễn Trọng Nghĩa với sản phẩm "Nếp Cô Duyên"

Trò chuyện với ông Nguyễn Tấn Bảo, Bí thư Chi bộ HTX Nông nghiệp Công Thành, ông cho biết: “Chi bộ Công Thành còn non trẻ, chúng tôi đã lựa chọn Nguyễn Trọng Nghĩa kết nạp đảng viên vào năm ngoái, bởi tính tiên phong, mẫu mực của anh ấy. Qua sinh hoạt Đảng, hoạt động trong HTX cho thấy đồng chí Nghĩa là đảng viên có tư tưởng, lập trường kiên định, phẩm chất chính trị tốt; có trách nhiệm, nâng cao tinh thần đối với tổ chức Đảng. Nghĩa là đảng viên trẻ có tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; tinh thần quyết liệt ấy có thể cho các thanh niên trong huyện Đức Linh học hỏi, áp dụng trong mỗi phần việc của mình. Trước đây cũng như sau này, với vai trò Giám đốc HTX nông nghiệp, Nghĩa đã mạnh dạn bứt phá, đưa giống lúa nếp mới về địa phương thử nghiệm gieo trồng đã giảm thiểu chi phí sản xuất, năng suất cao, đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân trong vùng liên kết với HTX những năm qua. HTX Công Thành dưới sự điều hành của đồng chí Nghĩa từng ngày vững mạnh, phát triển, kinh doanh, sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động”.

Hướng đến nông nghiệp sạch

Qua trao đổi, tham quan trên đồng ruộng với Bí thư Chi bộ HTX cùng đảng viên Nguyễn Trọng Nghĩa, tôi biết rằng, với vai trò đứng đầu HTX, Nghĩa hướng cho Công Thành sản xuất nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong, ngoài nước, mở rộng tiêu thụ. Các thành viên HTX từ trước đến nay đều hưởng ứng điều này. Hàng trăm thành viên là nông dân ở các địa phương Nam Chính, Đức Tài, Võ Xu (Đức Linh), Nghị Đức (Tánh Linh) đã hợp đồng với HTX cùng đưa hàng trăm ha vào sản xuất nếp chất lượng cao theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn VietGAP. Từ khâu sản xuất, lai tạo các giống nếp ở miền Tây do Công Thành đảm trách, đưa vào gieo sạ trên cánh đồng của mỗi xã viên. Các xã viên tuân thủ nghiêm ngặt khâu chăm bón, hầu hết dùng phân hữu cơ từ nguồn phân chuồng chăn nuôi heo, bò trong mỗi hộ xã viên hoặc mua thêm bên ngoài về tập kết ủ hoai, rồi đưa vào bón theo từng thời gian thích hợp cho cây nếp đang sinh trưởng làm đòng, ngậm hạt. Cùng với đó, HTX cung cấp thêm phân bón hữu cơ vi sinh (Bio Japan, Bio Long An) cho xã viên bón lót. Cả hai nguồn phân hữu cơ và vi sinh được chia đều bón vài lần cho đến khi nếp chín, nặng hạt. Chăm bón theo cách bài bản này, cây nếp phát triển xanh tươi, kết tinh hạt chắc, căng đầy, cho những hạt vàng ruộm vào mỗi vụ thu hoạch. Với giống nếp IR 4625, OM 84 đảng viên Nghĩa đưa về cung cấp cho hàng trăm thành viên đã và đang gieo trồng trước nay có thời gian sinh trưởng đến thu hoạch 3 tháng rưỡi; mỗi năm có thể gieo trồng 3 vụ, năng suất thường đạt 6 - 7 tấn/vụ/ha, vụ đông xuân có khi đạt 8 - 9 tấn/ha (20 tấn/ha/năm).

Nếp vào mùa thu hoạch của xã viên bao nhiêu đều được đội xe HTX Công Thành đến thu mua tại chỗ theo giá ký kết hợp đồng với xã viên, phù hợp thị trường, có giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg nếp. Nhiều bà con xã viên trong vùng sản xuất có lãi 60 - 70 triệu đồng/ ha/năm… Từ năm ngoái đến nay, ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19 kéo dài, Công Thành đã ký kết bao tiêu sản phẩm, thu mua thêm khoảng 1.000 ha nếp/vụ ở huyện Đức Linh và một phần huyện Tánh Linh. Riêng năm ngoái sản lượng nếp thu mua theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với xã viên trong vùng và mua thêm nếp chất lượng cao trong vùng đều được vận chuyển về các nhà máy xay xát lúa, nếp của hệ thống Công Thành ở thành phố Tân An (Long An) xay xát, chế biến, lấy thương hiệu “Nếp Cô Duyên”.

Sản phẩm nếp sạch này đóng gói theo quy cách 20 - 50 kg/bao đã xuất khẩu sang các nước Malaysia, Indonesia, Philippines (Đông Nam Á), Trung Quốc trong vài năm gần đây khoảng 40.000 tấn/năm. Hoạt động HTX Nông nghiệp Công Thành đã đưa về doanh thu 150 - 200 tỷ đồng/năm. HTX thành lập năm 2017, qua 3 năm đầu hoạt động được miễn thuế, góp phần tái đầu tư.

dsc04575.jpg
 Nếp chất lượng cao của nông dân Nam Chính liên kết HTX Công Thành

Còn thương hiệu “Nếp Cô Duyên” được lấy từ tên người vợ của Nguyễn Trọng Nghĩa, bởi cô không chỉ nên duyên mà còn đồng hành cùng anh gầy dựng, phát triển HTX Nông nghiệp Công Thành trên quê hương của chồng. Hầu hết “Nếp Cô Duyên” chế biến đều được xuất khẩu; Nghĩa cũng cho đóng gói loại 5 kg để trưng bày, giới thiệu, tặng khách hàng, bạn bè, người thân. Trong lần gặp ấy, tôi được Nghĩa tặng 1 bịch còn lại trên quầy. Bịch nếp với những hạt trắng như sữa, phảng phất mùi thơm nhẹ; qua chế biến cho hạt nếp dẻo, thơm ngon, để được thời gian vài ngày.

Sản xuất, chế biến xuất khẩu tại chỗ

“Từ cuối năm ngoái, HTX Nông nghiệp Công Thành đã đầu tư xây dựng Nhà máy xay xát Công Thành ngay trên địa bàn xã Nam Chính, huyện Đức Linh với công suất 3 tấn/giờ, hoạt động 24 giờ/ ngày; dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay, thu hút 40 - 50 lao động ở địa phương. Các công đoạn sản xuất, chế biến “Nếp Cô Duyên” tiến tới tại chỗ, giảm nhiều chi phí vận chuyển vào Long An. Mẫu mã bao bì sẽ được cải tiến từ đóng gói nilon sang bao giấy thân thiện với môi trường”, đảng viên Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.

Thông qua nhà máy hoạt động trên địa bàn huyện Đức Linh, HTX Công Thành dự định sẽ mở rộng sản xuất, vận động nhiều nông dân trong vùng hợp đồng thường xuyên với HTX, hình thành cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nông nghiệp sạch, thuận tiện đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất; thu hoạch lúa, nếp, cũng như xay xát, chế biến khép kín ngay trên địa bàn; đưa xuất khẩu nếp sang các nước trong khu vực, gạo sạch tiêu thụ nội địa, sẽ tăng lợi nhuận cho các thành viên HTX. Bởi xã Nam Chính bà con đang gieo trồng hàng năm 2.200 ha lúa, nếp; thị trấn Đức Tài 1.300 ha… Đức Linh đã quy hoạch vùng lúa, nếp chất lượng cao 3.000 ha gắn tiêu thụ sản phẩm; cơ sở hình thành sản xuất lớn. Đây là đề án đảng viên Nguyễn Trọng Nghĩa đang ấp ủ, xây dựng để triển khai khi có điều kiện thích hợp.

Hiện tại, Chi bộ HTX Nông nghiệp Công Thành có 5 đảng viên, trong các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, đảng viên được quán triệt, cập nhật các chủ trương mới của Đảng, chính sách Nhà nước, thông tin của tỉnh, huyện để áp dụng phù hợp phát triển HTX. Trong các buổi sinh hoạt ấy, đảng viên Nguyễn Trọng Nghĩa trao đổi, đề xuất các ý tưởng, giải pháp mở rộng quy mô hoạt động HTX ngay trên chính quê hương của mình để chi bộ xem xét, cho ý kiến phát triển đúng hướng, theo xu thế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư duy của người đảng viên Nguyễn Trọng Nghĩa luôn đổi mới, sáng tạo cùng với tập thể chi bộ tuy còn non trẻ đã đưa HTX Nông nghiệp Công Thành đang từng bước đi lên, hỗ trợ người nông dân, khai thác lợi thế trên vùng đất nông nghiệp Đức Linh, Tánh Linh.

Trên thị trường tiêu thụ, “Nếp Cô Duyên” đã có logo, mã sản phẩm: TX2668356; xuất xứ: Bình Thuận, Việt Nam”.

Thái Khoa