Thí điểm mô hình tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Xã hội - Ngày đăng : 06:13, 23/05/2022

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 23/5 - 17/6/2022. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nhiều dự thảo nghị quyết quan trọng, trong đó có dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Trước khi Quốc hội xem xét để thông qua dự thảo nghị quyết này, Chính phủ đã có tờ trình nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết. Theo đó, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong xử lý người phạm tội nói chung, thi hành án phạt tù nói riêng là nhằm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội.

dsc02637.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát việc thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam tại Z30D.

Trên thực tế, tại Trại giam Thủ Đức (Z30D) – nơi quản lý từ 6.000 - 7.000 phạm nhân cũng khẳng định việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân là cần thiết. Thượng tá Nguyễn Xuân Đạt - Phó Giám thị Trại giam Thủ Đức cho biết, thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ tổ chức quản lý, giam giữ phạm nhân, đảm bảo trại an toàn. Trại đã chủ trương tăng cường công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân vừa tham gia lao động sản xuất, vừa học nghề với những ngành nghề như: gia công ghép cá; bóc tách hạt điều; chăm sóc khai thác cao su, trồng rau xanh, điều, mì; may gia công; đan mỹ nghệ; tin học văn phòng; điện dân dụng; xây dựng.

Song song đó, trại cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị; căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, trình độ của phạm nhân; tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có để tổ chức cho phạm nhân lao động; học nghề, truyền nghề đạt hiệu quả, từng bước thay đổi cơ cấu ngành nghề, chuyển đổi từ lao động nông nghiệp trên diện tích rộng sang lao động thủ công, tập trung trong nhà xưởng có rào vây bảo vệ. Đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án để đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề.

Khi được thông tin về nội dung dự thảo nghị quyết này, nhiều phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Thủ Đức đều bày tỏ vui mừng vì có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Băng phấn khởi: “Bị tách biệt ra khỏi xã hội, em không thể biết được xã hội phát triển như thế nào, càng không thể biết được sẽ làm gì khi chấp hành xong án phạt tù. Vì thế, khi nghị quyết được thông qua, đó là điều mong ước đối với em cũng như nhiều người khác đang thi hành án phạt tù”. Tương tự, phạm nhân Nguyễn Phạm Gia Thọ hứa sẽ cải tạo thật tốt để được hướng nghiệp, lao động, để khi trở về địa phương sẽ tìm công việc phù hợp, ổn định cuộc sống. Không chỉ với phạm nhân, bà Vũ Thị Lan Anh – thôn Bàu Chim, xã Đức Thuận (Tánh Linh) cũng bày tỏ thống nhất cao với nội dung dự thảo nghị quyết, bởi điều đó sẽ giúp các địa phương thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù.

Trại giam Thủ Đức cho biết, đa số phạm nhân trước khi vào trại không có nghề nghiệp ổn định. Nhưng khi vào chấp hành án tại trại họ đã được hướng nghiệp, dạy nghề, trực tiếp tham gia lao động, cải tạo trong môi trường có kỷ luật. Nhờ vậy dần dần có sự thay đổi về nhận thức và hành vi, biết trân trọng giá trị lao động chân chính đối với bản thân và xã hội. Nhiều phạm nhân sau khi hết án trở về đã xin được việc làm ổn định. Từ những kết quả trên cho thấy, việc tổ chức cho phạm nhân lao động, hướng nghiệp, dạy nghề trong và ngoài trại giam là rất cần thiết, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân trong tình hình mới đồng thời tổ chức tốt hoạt động tái hòa nhập cộng đồng...

LÊ PHÚC