Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp, kinh tế - xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 09:19, 23/05/2022

BTO-Sáng nay (23/5), Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 3 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp; kinh tế - xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt, theo dõi hoạt động của kỳ họp, Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa XV.

Thưa đại biểu, Kỳ họp thứ 3 chính thức khai mạc vào sáng nay 23/5. Để tham gia kỳ họp đạt kết quả tốt, Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH tỉnh dự kiến sẽ đóng góp, thảo luận những nội dung gì?

1.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, sâu rộng, hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong một bối cảnh mới cho đất nước.

Theo đó, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 23/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 17/6/2022 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội; dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19 ngày. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án: đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Đây là kỳ họp đầu tiên tập trung xuyên suốt từ 23/5 đến 17/6/2022. Quá trình dự họp, bên cạnh tham gia thảo luận các dự án Luật, Nghị quyết, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ tham gia, góp ý một số nội dung khác như: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tham gia chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ và một số nội dung quan trọng khác.

Qua các buổi tiếp xúc trực tiếp với cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp những nội dung gì để kiến nghị đến Quốc hội, thưa đại biểu?

112.jpg
Cử tri gửi gắm tâm tư nguyện vọng đến Quốc hội.

Trước kỳ họp thứ 3, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức để các vị ĐBQH tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tiếp tại các địa phương. Đồng thời tổ chức làm việc với một số cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh. Qua đó, đã thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo tổng hợp về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Qua tiếp xúc cử tri, các ĐBQH tỉnh đã lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà gửi đến các cơ quan chức năng trong đó có Quốc hội. Trong đó, cử tri quan tâm, kiến nghị tập trung quanh một số vấn đề như: Cần sửa đổi Luật Đất đai 2013; công tác quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều bất cập; cần kiên quyết xử lý và thu hồi toàn bộ tài sản trong các vụ án tham nhũng; giải pháp để thu hút đầu tư, nhất là về du lịch; chế độ, chính sách người có công, cán bộ cơ sở, cán bộ không chuyên trách, thôn, tổ dân phố; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Bên cạnh đó, cử tri không đồng tình việc đưa môn lịch sử thành môn tự chọn ở cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới và cho rằng đây là điều không phù hợp với điều kiện thực tế tại nước ta. Cử tri cũng phản ánh giá một số mặt hàng tăng cao, nhất là xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, phân bón, trong khi một số mặt hàng nông sản làm ra giá quá thấp, khó tiêu thụ, đặc biệt là thanh long…

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi Ban Dân nguyện Quốc hội tổng hợp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 này. Từ những kiến nghị, đề xuất, phản ánh của cử tri, các ĐBQH tiếp thu, nghiên cứu kỹ tài liệu để có nội dung phát biểu chất lượng, tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp thiết thực vì quyền lợi của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.

Xin cảm ơn đại biểu!

THU HÀ